Sáng 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (tỉnh Bắc Ninh), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VHTT&DL và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa".
Mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tế
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa có lúc còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người”; “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi mọi quyết sách của Quốc hội phải sát với thực tế trong nước và tình hình thế giới. Nhiều gợi ý chính sách tại các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu để xây dựng, ban hành các quyết sách, ứng phó kịp thời với bối cảnh, tình hình mới của đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho hay, hội thảo hôm nay sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
Văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”
Phát biểu đề dẫn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hoá Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc.
Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm…
Từ đó ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, phải xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó xác định rõ, bảo tồn, gìn giữ những di sản, giá trị văn hóa truyền thống cho muôn đời sau luôn là điều cần thiết, tất yếu và cấp thiết.
Bên cạnh đó, cần khẳng định, phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận. Đây không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hoá các sản phẩm văn hoá gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững…
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nhấn mạnh việc kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế. Quá trình đó đòi hỏi giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc phải đi đôi với mở cửa, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, phù hợp với xu thế của thời đại.
“Đặc biệt, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp phải tăng cường sức đề kháng văn hoá để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hoá, bài trừ các hình thức văn hoá lai căng, đồi truỵ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý.
Cùng với đó là kết nối giữa truyền thống và hiện đại; vừa khơi dậy, phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa loại bỏ những yếu tố đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển…
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn việc phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học; việc bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và phát triển văn hoá.
Trong đó, xác định rõ, phát triển văn hoá luôn bắt đầu từ người dân, nhân dân là trung tâm, vừa là người hưởng thụ văn hoá, vừa là người trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động văn hoá, cung cấp các dịch vụ công và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá.
Nội dung nữa cần tập trung thảo luận là việc đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hoá phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương.
Việc chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hoá; chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá phát triển; xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa cũng là những vấn đề được đặt ra trong hội thảo.
Hội thảo có 800 đại biểu tham dự trực tiếp và phát sóng tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội, trên nền tảng truyền hình Quốc hội và kết nối đến một số cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật. Hội thảo gồm các phiên chuyên đề diễn ra trong buổi sáng và phiên toàn thể trong buổi chiều với 3 nhóm nội dung chính theo chủ đề của hội thảo. Sau khi kết thúc hội thảo, Ban Tổ chức sẽ xây dựng báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa. |