Khi bạn trai của Priya đăng một bức ảnh khỏa thân của cô lên mạng, anh ta nói rằng bằng cách biến cô trở thành niềm khao khát của những người đàn ông khác, sẽ giúp Priya tăng thêm sự tự tin.
Điều này lại khiến cô cảm thấy bất lực khi biết người yêu đã chia sẻ một bức ảnh hết sức riêng tư mà không được sự đồng ý của mình.
"Anh ấy nói rằng tất cả những người đàn ông này đều mơ ước có được tôi nhưng tôi chỉ thuộc về duy nhất anh mà thôi", cô gái sống ở Mumbai nói.
Những câu chuyện như của Priya đang ngày càng phổ biến khắp thế giới.
Theo tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women), tình trạng quấy rối phụ nữ và trẻ em gái trên mạng xã hội đã gia tăng trên toàn cầu trong suốt năm 2020.
Đối tượng gây ra chủ yếu là bạn tình có xu hướng bạo hành hoặc người yêu cũ - những người phải ở suốt trong nhà trước màn hình máy tính do biện pháp đóng cửa của chính quyền các nước.
Nữ diễn viên Fuka Haruna, người từng bị bắt nạt trên mạng, phải rời trường học và chuyển nhà khi thông tin cá nhân của cô bị rò rỉ vào năm 2020. Ảnh: AFP. |
Môi trường sống thù địch
Azmina Dhrodia, một nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức World Wide Web Foundation, cho biết, khi mà các hạn chế đi lại trên toàn thế giới khiến nhiều người dành thêm thời gian cho hoạt động trực tuyến, thì những hành vi quấy rối, lạm dụng qua mạng có thể trở nên tồi tệ hơn.
Ngay cả trước đại dịch Covid-19, hơn một nửa số trẻ em gái và phụ nữ đã bị lạm dụng trực tuyến, theo một cuộc thăm dò toàn cầu vào năm 2020 của Web Foundation - một tổ chức do người phát minh ra World Wide Web, Tim Berners-Lee, đồng sáng lập.
Cũng theo cuộc thăm dò này, việc chia sẻ hình ảnh, video hoặc thông tin cá nhân mà không có sự đồng thuận của chủ sở hữu - hay còn gọi là doxxing - là vấn đề đáng lo ngại nhất.
Vào tháng 10/2020, nhóm bảo vệ quyền trẻ em gái Plan International thực hiện một khảo sát và kết quả cho thấy, cứ 5 phụ nữ thì có 1 người phải bỏ hoặc hạn chế sử dụng mạng xã hội trong khi nạn nhân bị quấy rối trẻ nhất chỉ mới 8 tuổi.
“Đó là một thực tế hết sức đáng quan ngại, bởi vì ngày càng nhiều người sử dụng thiết bị di động, kỹ thuật số cũng như sự gia tăng các chiêu trò để khiến con người dành nhiều thời gian trực tuyến hơn”, Neema Iyer, người đứng đầu nhóm quyền kỹ thuật số Pollicy có trụ sở tại Uganda cho biết.
Kiểm soát kỹ thuật số
Kể từ khi đại dịch bùng phát, hầu như mọi hình thức bạo hành phụ nữ và trẻ em gái đều gia tăng, đường dây nóng trợ giúp ở một số nơi có số lượng cuộc gọi tăng gấp 5 lần, UN Women cho biết.
Luật sư Akhila Kolisetty, người đồng sáng lập tổ chức End Cyber Abuse, New York, cho biết cũng đã có sự gia tăng các phần mềm gián điệp, theo dõi và giám sát trực tuyến khác.
"Khi mọi người dành nhiều thời gian làm việc ở nhà, những kẻ bạo hành ép buộc nạn nhân chia sẻ mật khẩu cá nhân, những hình ảnh riêng tư hoặc lén lút theo dõi hoạt động trực tuyến của họ", Kolisetty nói.
Sự nghiêm trọng của vấn nạn này khiến Indu Harikumar, một nghệ sĩ ở Ấn Độ, ghi chép và kể lại những hành vi bạo hành gia đình liên quan đến công nghệ, mạng xã hội và câu chuyện của Priya như một phần trong dự án.
"Ai đó thực sự nói với tôi rằng nếu ta không chia sẻ mật khẩu cá nhân trong mối quan hệ thì sẽ giống như có điều gì đó mờ ám đang xảy ra", Harikumar minh họa những câu chuyện về nạn lạm dụng, bạo hành được gửi tới cô một cách ẩn danh thông qua Instagram.
Cần có thêm sự giám sát chặt chẽ thế giới số để ngăn ngừa vấn nạn quấy rối, lạm dụng tình dục. Ảnh: Getty Images. |
Sự trễ nải của pháp lý
Các nhà vận động cho biết quấy rối tình dục trực tuyến rất khó kiểm soát. Ngày nay, các nhà nghiên cứu, luật sư và những người hoạt động nhân quyền trên toàn thế giới đang nỗ lực để bịt các lỗ hổng pháp lý.
Luật sư Kolisetty cho biết Ấn Độ, Canada, Anh, Pakistan và Đức là một trong số ít các quốc gia có hàng rào pháp lý chặt chẽ nghiêm cấm việc chia sẻ hình ảnh, video, tài liệu riêng tư mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu. Nhưng theo các chuyên gia pháp lý, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ, luật pháp đang bị tụt lại phía sau.
“Ở những quốc gia không có quy đinh luật cụ thể, những nạn nhân của quấy rối, lạm dụng rất khó tìm được công lý vì cảnh sát thường không xem xét các khiếu nại của họ một cách nghiêm túc", Kolisetty nói.
Neema Iyer từ tổ chức Pollicy cho biết cô từng gặp và nói chuyện với những phụ nữ bị cười nhạo vì đã báo cáo cảnh sát về lạm dụng trực tuyến. Ngay cả khi có luật, thái độ bảo thủ là rào cản cho phụ nữ lên tiếng.
Trách nhiệm của các ông lớn công nghệ
Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook (công ty sở hữu WhatsApp và Instagram), Twitter, TikTok, cũng như ứng dụng video chat trực tuyến Zoom, nói với Reuters rằng họ có những biện pháp nhằm cam kết ngăn chặn hành vi quấy rối và lạm dụng.
Zoom đã có nhiều báo cáo về tình trạng "zoombombing", khi mà những người lạ nhảy vào các cuộc gọi riêng tư sau khi giành được lời mời truy cập một cách trái phép.
Những kẻ này xâm nhập vào các tiết học và cuộc họp trực tuyến để quấy rối người khác với những nội dung khiêu dâm, phân biệt giới tính hoặc phân biệt chủng tộc,
Khi mà đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ 2, những người ủng hộ quyền phụ nữ hy vọng rằng các ông lớn công nghệ, chính phủ và cơ quan chức năng sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề lạm dụng qua thiết bị kỹ thuật số. Ảnh: Shutterstocks. |
Zoom nói rằng họ đã thắt chặt các công cụ bảo mật và hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật.
Twitter cho biết nền tảng cũng đã điều chỉnh các tính năng an toàn bằng cách cho phép mọi người kiểm soát ai có thể trả lời trong bài đăng của họ, đồng thời chủ động xác định các tài khoản và tweet lạm dụng thay vì dựa vào tính năng báo cáo.
Facebook cho biết hệ thống sẽ tự động ẩn nội dung xúc phạm hoặc bắt nạt, giúp ngăn chặn những bài đăng đồi trụy lưu hành. Ngoài ra, người dùng có thể dễ dàng chặn hoặc bỏ qua các tin nhắn rác.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu vào tháng 9 của Tổ chức chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và tổ chức từ thiện chống lạm dụng trực tuyến Glitch, gần như tất cả những người được hỏi cho biết những trải nghiệm liên quan đến bạo hành, lạm dụng trực tuyến trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành đã không được các gã khổng lồ công nghệ giải quyết một cách mạnh tay.
“Đại dịch đã khiến mọi người thấy được mức độ nghiêm trọng của nạn lạm dụng trực tuyến và tôi nghĩ rằng chính sự nhận thức sẽ làm lay chuyển luật pháp và văn hóa con người trong thời gian dài”, Azmina Dhrodia nói.
(Theo Zing)
Kênh môi giới hôn nhân ở Hàn xếp phụ nữ Việt theo cơ thể, trinh tiết
Trong các video dạng gặp gỡ giữa đàn ông Hàn Quốc và cô dâu đến từ các nước Đông Nam Á, nhiều cô gái bị bình phẩm thân hình, tuổi tác như món hàng.