Một trong những mô hình chuyển đổi số đặc trưng của huyện Văn Yên (Yên Bái) đã triển khai hiệu quả là mô hình "Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn”. Văn Yên là huyện đầu tiên xây dựng Kế hoạch và triển khai mô hình này.
Đến nay, 25/25 xã, thị trấn đã thành lập Tổ CĐS cộng đồng cấp xã với 321 thành viên; 172/172 thôn, tổ dân phố đạt 100% thành lập Tổ CĐS cộng đồng cấp thôn với 1.322 thành viên.
100% Tổ CĐS cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn huyện đã tạo nhóm Zalo để trao đổi thông tin, triển khai nhiệm vụ được giao.
Tổ CĐS cộng đồng các cấp chủ yếu duy trì hoạt động theo tinh thần tự nguyện của các thành viên, đã phát huy rất tốt vai trò, tích cực, chủ động hỗ trợ chính quyền cơ sở triển khai có hiệu quả các ứng dụng, nền tảng số đến người dân như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, các ứng dụng về y tế, giáo dục, YenBai-S, Sổ tay đảng viên điện tử...
Khe Bành là thôn đặc biệt khó khăn của xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên, giao thông còn rất khó khăn. Cả thôn có tổng số 205 hộ, 949 khẩu, 100% dân số là người Dao sinh sống, song với sự quyết tâm chính trị từ huyện đến cơ sở, sau 2 năm triển khai thực hiện CĐS, Khe Bành đã trở thành thôn đầu tiên của huyện Văn Yên đạt tiêu chuẩn "Thôn CĐS”.
Việc ứng dụng CĐS đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về CĐS cho cán bộ và người dân.
Ông Triệu Toàn Khoa - Trưởng thôn Khe Bành cho biết: "Trước đây khi chưa thực hiện CĐS thì việc đi báo cho các hộ dân đi họp phải đến từng nhà rất vất vả nhưng từ khi áp dụng CĐS, thôn chúng tôi đã thành nhóm Zalo, Facebook lấy tên là "Khe Bành quê tôi”, với trên 85% đại diện hộ dân tham gia và thông qua đó, chúng tôi trao đổi thông tin, triển khai công việc chung của thôn đến người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả, lại vừa tiết kiệm thời gian.
Đến nay, 100% đảng viên của Chi bộ đã biết cài đặt, sử dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử Yên Bái” phục vụ sinh hoạt chi bộ.
Việc hình thành thói quen sử dụng công nghệ số của người dân chính là giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Với mục tiêu mỗi người dân là một công dân số, huyện Văn Yên đã xây dựng Kế hoạch và phát động phong trào triển khai chiến dịch "Phát triển công dân số từ khu phố đến bản làng” tại 25/25 xã, thị trấn từ tháng 5 đến hết tháng 9 năm 2023.
Sau 150 ngày đêm triển khai chiến dịch cài đặt kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 VNeID, YenBai-S, đến nay, tỷ lệ công dân đạt cả 6 tiêu chí công dân số là 62.500 người, đạt 78%; dự kiến đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch 80% công dân của huyện đạt tiêu chí công dân số; cài đặt, kích hoạt định danh điện tử cho 70.904 người, đạt 114,65% chỉ tiêu kế hoạch giao, đứng đầu toàn tỉnh; cài đặt ứng dụng YenBai-S được 55.652 người, đạt 118,33% kế hoạch giao, đứng đầu toàn tỉnh về số người cài đặt.
Bà Bùi thị Tuyết ở Tổ dân phố số 1, thị trấn Mậu A chia sẻ: "Được tuyên truyền về chủ trương CĐS, được địa phương và tổ dân phố hỗ trợ, các Tổ CĐS cộng đồng hướng dẫn cài đặt các ứng dụng đã giúp người dân chóng tôi tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả. Đồng thời chúng tôi cũng có thể đề xuất những ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng đến các cấp một cách nhanh nhất”.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CĐS, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện xây dựng kế hoạch, xác định tiêu chí triển khai mô hình điểm "Cơ quan CĐS”, từ đó nhân rộng ra các cơ quan, đơn vị.
Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản mô hình "Cơ quan CĐS”.
Đồng chí Hà Trung Kiên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Yên cho biết: Thực hiện Đề án CĐS, Phòng đã thực hiện 100% hồ sơ công việc được xử lý điện tử; đăng ký và hoàn thành ít nhất 1 phần việc về CĐS trong năm; 100% thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, 4; giải quyết các TTHC phát sinh theo mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích; 100% cán bộ, công chức được cấp và sử dụng hộp thư điện tử công vụ trao đổi thông tin giải quyết việc công.
Xác định lực lượng học sinh, sinh viên là lực lượng thích ứng nhanh nhất với CĐS, huyện Văn Yên đã chỉ đạo ngành giáo dục triển khai mô hình "Tiết học CĐS” trong các nhà trường; tổ chức tập huấn, truyền đạt các kỹ năng số cho các em học sinh từ lớp 9 đến lớp 12.
Qua các lớp tập huấn, các em học sinh về nghỉ hè tại địa phương tham gia tổ CĐS cộng đồng với phong trào do Huyện đoàn phát động là "Mùa hè tình nguyện - thanh niên tiên phong trong CĐS".
Với quan điểm "không làm thay, làm hộ” trong việc thực hiện TTHC, huyện Văn Yên đã lựa chọn ngành giáo dục - đào tạo làm điểm mô hình "5.000 cha mẹ học sinh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình”.
Theo đó, các giáo viên sẽ hướng dẫn cha mẹ học sinh của lớp mình lập tài khoản dịch vụ công, sau đó phụ huynh trực tiếp sử dụng tài khoản đó để nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị xét tuyển sinh cấp THCS; nộp hồ sơ trực tuyến đề nghị xét duyệt chính sách hỗ trợ đối với học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, THCS ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đến nay, số lượng cha mẹ học sinh có con em thuộc diện hỗ trợ vào khoảng 5.000 người, đều đã lập xong tài khoản dịch vụ công và đang nộp hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến theo tiến độ giải quyết chế độ.
Một trong những mô hình mang lại nhiều tiện ích, đó là mô hình chợ 4.0 tại chợ trung tâm thị trấn Mậu A. Với mô hình này, các tiểu thương được trang bị mã QR Code, kết nối với các ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến.
Người dân có thể mua bán mọi mặt hàng không cần dùng tiền mặt. "Chợ 4.0" nhằm thúc đẩy hoạt động CĐS và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm.
Đánh giá kết quả sau 2 thực hiện công tác CĐS trên địa bàn huyện Văn Yên, đồng chí Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên cho biết: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác CĐS được tổ chức triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, có nhiều giải pháp, cách làm mới sáng tạo, huy động được sự vào cuộc tham gia của hệ thống chính trị các cấp, cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo nhân dân.
Kết quả đạt được là khá toàn diện trên tất cả các mặt, các trụ cột của CĐS, nổi bật nhất là các mô hình CĐS đặc trưng của huyện đã mang lại kết quả rất quan trọng góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ CĐS của địa phương".
Huyện Văn Yên được đánh giá là địa phương điển hình của khu vực trung du và miền núi phía Bắc về CĐS. Với phương châm CĐS toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, Văn Yên đang từng bước phấn đấu trở thành một trong những địa phương đi đầu về CĐS ở cả ba lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Theo Đức Toàn (Báo Yên Bái)