Người đàn ông 63 tuổi đến Trung tâm Y tế Cẩm Khê (Phú Thọ) khám, chụp cộng hưởng từ sọ não, phát hiện ông bị tụ máu dưới màng cứng mạn tính. Chỉ định phẫu thuật lập tức được đưa ra.
Cách thời điểm nhập viện hai tháng, ông bị ngã từ độ cao 2m nhưng vẫn tỉnh táo, sinh hoạt bình thường nên không đi khám. Gần đây, khi thường xuyên mệt mỏi, đi không vững, đau đầu, ông mới đến viện thăm khám. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân phải mổ cấp cứu gấp.
Ngày 19/4, bác sĩ chuyên khoa II Giang Hoài Đức, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, cho biết để lấy máu tụ dưới màng cứng cho bệnh nhân, các bác sĩ phải khoan sọ một lỗ, bơm rửa dẫn lưu máu tụ. Đây là phương pháp tối ưu, không can thiệp mổ hộp sọ, giảm nguy cơ biến chứng hậu phẫu, hồi phục nhanh. Ba ngày sau phẫu thuật, ông L. có thể sinh hoạt bình thường.
Theo bác sĩ Đức, máu tụ dưới màng cứng cấp đe dọa đến tính mạng cần được phẫu thuật cấp cứu, với các trường hợp bán cấp hoặc mạn tính, tùy theo mức độ có thể được điều trị bảo tồn bằng nội khoa hoặc phẫu thuật.
"Những bệnh nhân khi bị chấn thương đầu cần phải được chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá chính xác mức độ tổn thương, từ đó bác sĩ có cơ sở để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh để lại biến chứng và di chứng nguy hiểm", bác sĩ Đức khuyến cáo.