{keywords}

Phát thải carbon từ việc sử dụng điện thoại thông minh

Ngày nay, chắc hẳn mọi người đều biết cảm giác cầm trên tay một chiếc điện thoại di động nóng ran. Đó chính là năng lượng được đốt cháy và bàn tay của bạn không phải là nguyên nhân duy nhất.

Cơ sở hạ tầng khổng lồ hỗ trợ điện thoại đang góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Vấn đề này dường như đang trở nên tồi tệ hơn.

Theo báo cáo mới của công ty phân tích tính bền vững Greens Inspector, các ứng dụng phổ biến với hàng tỷ người dùng như TikTok, Facebook và Snapchat đang thúc đẩy tiêu thụ năng lượng và phát thải nhiều hơn.

Nghiên cứu của họ nêu rõ rằng nếu người dùng sử dụng 10 ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất hàng ngày sẽ giống như di chuyển quãng đường 1,4 km/ngày trên một phương tiện hạng nhẹ, hay 534 km nếu sử dụng trong 1 năm.

Lotfi Belkhir, phó giáo sư kỹ thuật tại Đại học McMaster, cho biết việc sử dụng điện thoại và các ứng dụng nổi tiếng là một yếu tố góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Ông nói: "Từ góc độ bền vững, tôi nghĩ người tiêu dùng cần biết rằng thời gian sử dụng điện thoại thông minh tương đương với lượng ô nhiễm và rác thải kỹ thuật số".

Rất khó để xác định có bao nhiêu chiếc điện thoại thông minh trên thế giới. Công ty dữ liệu người tiêu dùng Statista dự đoán có gần 15 tỷ thiết bị di động đang hoạt động trên toàn cầu, bao gồm cả điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Mặc dù lượng thiết bị di động vượt quá cả dân số toàn cầu, người tiêu dùng vẫn không ngừng chi tiền cho mình những mẫu mới nhất và tốt nhất. Nguyên nhân thúc đẩy có thể là do thị trường điện thoại cạnh tranh khốc liệt. Các ông lớn như Apple, Samsung và Huawei đang tranh giành thị phần bằng việc chạy đua với những mẫu sản phẩm mới.

Belkhir nói với CNBC rằng nhu cầu về cơ sở hạ tầng lớn và nghiêm ngặt hơn ngày càng gia tăng để quản lý hàng triệu điện thoại thông minh được sử dụng mỗi ngày. Nếu không có điện thoại thông minh, con người sẽ không có những trung tâm dữ liệu, thứ gián tiếp tác động đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng khiến lượng khí thải carbon tăng mạnh.

Giảm phát thải là một vấn đề hàng đầu đối với nhiều gã khổng lồ công nghệ. Các công ty này đưa ra những cam kết khác nhau trong những thập kỷ tới. Nhà sản xuất iPhone cho biết họ đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 và đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo phục vụ các hoạt động của mình. Trong khi đó, Huawei của Trung Quốc gần đây tuyên bố sẽ triển khai cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng hơn như ăng-ten giúp cho mạng 5G của họ thân thiện với môi trường hơn.

Những năm qua, các mẫu điện thoại thông minh đã trở nên đẹp hơn. Nhưng để làm ra chúng, cơ sở hạ tầng hỗ trợ ngày càng mạnh mẽ và mở rộng hơn.

Các cơ sở hạ tầng quan trọng đó là các trung tâm dữ liệu, hàng loạt máy chủ lưu trữ và chuyển đổi dữ liệu mỗi ngày, giúp người dùng thực hiện gửi email, đăng bài trên Twitter và video TikTok.

Theo ước tính từ một số nhà nghiên cứu, những phòng máy chủ khổng lồ này tiêu thụ tổng cộng hơn 200 terawatt giờ điện hàng năm và đang ngày càng tăng. Con số này chiếm 1% lượng điện tiêu thụ toàn cầu.

John Dinsdale, nhà phân tích trưởng của Synergy Research Group cho biết, mặc dù vậy, việc xây dựng trung tâm dữ liệu chưa có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt là với các trung tâm dữ liệu siêu lớn. Mỗi năm, 60-70 trung tâm dữ liệu siêu lớn được mở và tốc độ này sẽ duy trì trong vòng 5 năm tới.

Giải pháp then chốt

Nhiều trung tâm dữ liệu cam kết sử dụng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng sạch. Nhưng theo Belkhir, quá trình chuyển đổi sử dụng năng lượng thay thế diễn ra chưa đủ nhanh. Belkhir cho rằng lượng khí thải từ sự bùng nổ này sẽ tiếp tục tăng, trừ khi toàn bộ cơ sở hạ tầng chuyển đối nhanh sang năng lượng tái tạo.

Mặt khác, toàn bộ quy trình sản xuất mỗi chiếc điện thoại thông minh tiêu tốn nhiều năng lượng và thải ra rất nhiều carbon, từ việc khai thác kim loại đất hiếm; sản xuất, lắp ráp và vận chuyển sản phẩm đến các kệ hàng trên toàn thế giới.

Theo iFixit, một trang web hướng dẫn sửa chữa các thiết bị điện tử, yếu tố chính giúp giảm lượng khí thải carbon của điện thoại thông minh là kéo dài tuổi thọ của điện thoại.

Sheehan, giám đốc chính sách của iFixit, cho biết vòng đời trung bình của điện thoại thông minh ở Mỹ là 2 năm rưỡi, trước khi người dùng chuyển sang mẫu khác. Cô nói: "Tôi không nhận thấy sự thay đổi đáng kể trong vài năm qua".

Sheehan giải thích rằng mọi người thường ném điện thoại vào ngăn kéo hoặc vứt vào thùng rác sau khi họ nâng cấp lên mẫu điện thoại mới. Theo dự kiến, năm 2021 sẽ có 57,4 triệu tấn rác điện tử thải ra trên toàn cầu.

Cô cho biết các nhà sản xuất đang cố tình thiết kế pin điện thoại khó tháo rời, khiến việc sửa chữa hay thay pin trở nên khó khăn hơn nhiều. Điều này khiến người dùng đưa ra quyết định mua điện thoại mới thay vì mang đi sửa chữa.

Đồng nghiệp của Sheehan - Elizabeth Chamberlain, giám đốc phụ trách tính bền vững, nói rằng việc tái chế điện thoại là một động thái tích cực mà mọi người có thể làm khi họ không còn cần đến thiết bị đó nữa. Nhưng việc tái chế chưa phát huy được nhiều tác dụng.

Chamberlain cho biết việc tái chế điện thoại di động chủ yếu là cắt nhỏ. Khi điện thoại bị cắt, tỷ lệ thu hồi của hơn một nửa số vật liệu trong điện thoại bị giảm đi. Vì vậy, nhiều kim loại trong điện thoại không được tái chế.

Chính vì việc tái chế chỉ đem lại hiệu quả ở một mức độ nào đó, Chamberlain cho rằng chìa khoá then chốt chính là tuổi thọ của điện thoại.

Một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực điện thoại bền vững có thể sửa chữa được là công ty Fairphone của Hà Lan.

Gần đây, công ty này đã tiết lộ mẫu điện thoại mới nhất - Fairphone 4 – được lặp ráp từ các bộ phận có thể sửa chữa và thay thế. Monique Lempers, giám đốc đổi mới của công ty, giải thích rằng họ đang hướng tới mục tiêu tạo ra những chiếc điện thoại có có vòng đời từ 4,5 đến 5 năm.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Meta thành lập Trung tâm thông tin Khoa học về Khí hậu tại Việt Nam

Meta thành lập Trung tâm thông tin Khoa học về Khí hậu tại Việt Nam

Ngày 2/11, tập đoàn Meta (trước đây là tập đoàn Facebook) đã công bố thành lập các Trung tâm thông tin Khoa học về Khí hậu tại Việt Nam và hơn 30 quốc gia khác thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.