Sau 15 năm nguồn vốn tín dụng chính sách giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt HSSV vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn...
Hàng triệu hộ dân thoát nghèo
Được xem như “cần câu” giúp người dân thoát nghèo bền vững, nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Sau 15 năm triển khai, tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Hiện có trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Đây cũng là công cụ hỗ trợ hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động; giúp hơn 3,5 triệu lượt HSSV được vay vốn học tập, xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…
Điều đáng nói, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng CSXH đã giảm từ 13,75% tại thời điểm nhận bàn giao (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017 (trong đó, nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,39%).
Tính đến 30/9/2017 tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ là 13.944 tỷ đồng, với gần 457 nghìn đối tượng đang dư nợ.
Tại nhiều địa phương, tín dụng chính sách được đánh giá đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt, nguồn vốn này còn góp phần đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, “đòn bẩy” giúp người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống.
Ảnh: baoDongThap |
Giúp người dân sử dụng “cần câu” hiệu quả
Không chỉ đơn thuần là cho vay tiền rồi để người dân tự tìm hướng phát triển sản xuất, Ngân hàng CSXH đã đưa ra một số giải pháp, như tích cực huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tập trung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tuyên truyền tốt về chính sách tín dụng, để các cấp, ngành và nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc triển khai trên địa bàn,...
Hiện một số địa phương đang triển khai mô hình hỗ trợ người dân sử dụng tín dụng chính sách hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
Như tại Đồng Tháp, 26 nghìn lượt phụ nữ nghèo trong tỉnh có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách thuận lợi, giúp chị em phát huy tính tự chủ trong phát triển kinh tếgia đình, góp phần vào việc thực hiện chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được kết quả này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp chú trọng chuyển giao khoa học, công nghệ, dạy nghề gắn với hướng dẫn tạo việc làm tại chỗ, kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững, triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ 8 xã biên giới phát triển kinh tế, hỗ trợ gia đình có người thi hành nghĩa vụ quân sự phát triển kinh tế...
Tại Đà Nẵng, tính đến ngày 31/10/2017, tổng khách hàng vay vốn tín dụng chính sách hơn 15.300 lượt, tổng khách hàng dư nợ hơn 65.000 khách, tổng doanh số cho vay lũy kế hơn 486,9 tỷ đồng, tổng doanh số thu nợ đạt hơn 366,9 tỷ đồng. Để các hộ gia đình thoát nghèo bền vững, Hộ nông dân chủ động, tích cực giới thiệu các chương trình tín dụng chính sách đến người dân kịp thời, triển khai thường xuyên công tác hướng nghiệp, qua đó góp phần giúp người dân tự tin tiếp cận nguồn vốn cũng như sử dụng vốn hợp lý.
D. An - Phạm Việt (tổng hợp)