Xã Trường Yên có diện tích 6,02km2, nằm ở phía bắc của huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 26km. Nhờ tuyến quốc lộ 6 chạy qua địa bàn xã, mạng lưới giao thông, hoạt động sản xuất, giao thương, buôn bán nơi đây được đẩy mạnh và phát triển.
Hiện nay, các tuyến giao thông đường trục thôn, liên thôn đều được mở rộng và nâng cấp, 100% đường làng ngõ xóm được bê tông hóa nhờ vào nỗ lực của chính quyền xã và sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đối với nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn do nhân dân đóng góp, để hoàn thiện hệ thống đường giao thông, thoát nước ngõ, xóm... xã tổ chức huy động dựa trên cơ sở phát huy dân chủ và tự nguyện. Việc quản lý và sử dụng vốn góp diễn ra công khai, minh bạch, người dân trực tiếp quản lý và quyết định đầu tư theo hạng mục đề án xây dựng nông thôn mới đã được duyệt.
Trường Yên đặc trưng có nhiều công trình cổ, nhiều ao hồ đan xen với nhà cửa, cây cối. Cảnh vật xóm làng như khoác lên mình lớp áo màu xanh mang vẻ đẹp non nước hữu tình.
Những năm gần đây, các thôn trên địa bàn xã đã thực hiện xã hội hóa hàng tỷ đồng để làm sân chơi thể thao, xây dựng khuôn viên tại các điểm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư.
Các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở cũng tích cực tham gia đóng góp tinh thần, vật chất thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Nhiều mô hình thiết thực, có sức lan tỏa đã được triển khai sâu rộng như: Nông dân tham gia BVMT; biến điểm tập kết rác tự phát thành vườn hoa thanh niên; con đường bích họa; đường hoa, sân chơi thiếu nhi…
Cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Các trường học tại xã Trường Yên đều đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Cả xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 76,5 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn xã không còn nhà xuống cấp nghiêm trọng, không còn nhà tạm và nhà dột nát; 100% số hộ dân đều có nhà kiên cố, bán kiên cố vững chắc. Việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, đặc biệt là người có công, người được hưởng bảo trợ xã hội…
Đặc biệt, tại Ngõ Cống, người dân đã đóng góp gần 500 triệu đồng để thực hiện dự án cải tạo ao làng bị ô nhiễm thành bể bơi miễn phí. Vào mùa hè, nơi đây thu hút hàng trăm trẻ em và cả người lớn từ các thôn xóm đến vui chơi, tắm mát. Nhân dân gần đó cũng cắt cử người túc trực, chia nhau vớt rác hàng ngày để giữ cho nước luôn được sạch sẽ.
Công tác chuyển đổi số được phổ biến rộng rãi khắp toàn xã, từ chợ dân sinh, cơ sở kinh doanh, cơ quan hành chính... cho đến các cụm dân cư, di tích, công trình kiến trúc. Trong ảnh, di tích chùa Yên Trường được quảng bá thông qua hình thức số hóa. Khi thực hiện quét mã QR, mọi thông tin, hình ảnh về ngôi chùa sẽ hiện đầy đủ, trực tiếp trong điện thoại mà không cần có người thuyết minh, giới thiệu.
Xã Trường Yên còn nổi tiếng bởi làng nghề làm đồ gỗ. Toàn xã có khoảng 400 hộ làm nghề mộc, chiếm gần 50% tổng số hộ, với hơn 50 xưởng sản xuất lớn, trên 100 tổ hợp sản xuất tại gia đình. Sản phẩm mộc của làng nghề truyền thống Phù Yên đã đưa ra thị trường nhiều tỉnh, thành khắp cả nước với những sản phẩm độc đáo như: nhà cổ, đồ thờ, đồ gia dụng mang bản sắc riêng của người thợ làng Bương xưa và Phù Yên nay.
Với tinh thần xây dựng nông thôn mới không có điểm dừng, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhân dân xã Trường Yên tiếp tục bắt tay vào phấn đấu tiến lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn thông minh… Tỷ lệ người dân hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã gần như đạt 100%. Từ thành quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân càng thêm tin tưởng vào sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.