Hết thời giá 0 đồng
Nhóm bạn chị Nguyễn Thị Ngọc Trai (Cầu Giấy) bảo lưu vé máy bay chặng từ Nha Trang về Hà Nội, sau một năm, tức đầu tháng 7/2022 sẽ hết hạn. Chị muốn đặt thêm chặng đi, đổi chặng về để tận dụng nốt vé bay vào hè này. Tuy nhiên, khi liên hệ với tổng đài để đổi vé, chị được trả lời rằng nếu muốn thay đổi, các chị sẽ phải đóng thêm phí đổi và chênh lệch giá vé.
“Với giá vé trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/người (đã gồm thuế phí), nếu chúng tôi đổi ngày bay từ nay đến tháng 7, giá vé sẽ đắt khoảng gấp rưỡi, tức 2,2 triệu đồng/người/chặng”, chị Ngọc Trai cho hay. Các chị sẽ phải đóng thêm 800.000-1 triệu đồng/người, gần bằng giá vé mới chặng khác.
Các năm trước, kể cả năm bùng phát dịch Covid-19 như 2020-2021, lượng vé máy bay giá rẻ liên tục được các hãng hàng không tung ra. Đặc biệt, vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa (từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, trừ dịp Tết), để kích cầu đi lại, các mức giá 0 đồng, 9.000 đồng, 19.000 đồng, 39.000 đồng,... (chưa gồm thuế, phí) đầy rẫy, hành khách dễ dàng săn được. Chưa kể, các hãng còn khuyến mại theo các khung giờ, theo ngày, theo chặng bay hay nhân những sự kiện khai trương đường bay, kích cầu du lịch, lễ hội,...
Tuy nhiên, sang năm 2022, lượng giá vé rẻ ít hẳn. Các chương trình kích cầu, khuyến mại hầu như không còn, trừ một số chặng quốc tế mới mở bán trở lại.
Ghi nhận trên các trang bán vé của các hãng, giá vé 0 đồng gần như biến mất, thi thoảng mới còn giá rẻ nhưng cũng kết thúc từ tháng 3. Sang tháng 4/2022, hiếm hoi mới thấy còn vé máy bay giá rẻ, nếu có cũng hết từ rất sớm. Nguyên nhân được cho là bởi hàng không đã quá khó khăn trong 2 năm qua, dòng tiền cạn kiệt. Chưa kể hiện tại, giá nhiên liệu bay đang đắt đỏ và nhu cầu đi lại của người dân bắt đầu tăng cao.
Giá vé máy bay ở mức cao cũng khiến giá tour năm nay tăng khoảng 15-20% so với thời điểm này năm ngoái.
Đại diện một DN lữ hành tại Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), cho hay, công ty có một đoàn 300 khách đi Đà Nẵng vào tháng 6. Dù đã 2 lần gửi danh sách đoàn xin đặt vé máy bay nhưng chờ cả tuần mà vẫn chưa có xác nhận.
Vị này chia sẻ, theo nguồn tin của DN thì trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 7, giá vé chặng Hà Nội - Đà Nẵng dự kiến lên tới 2,39-2,6 triệu đồng/người/khứ hồi. Cộng với giá landtour tầm 4 triệu đồng thì giá tour rẻ nhất cũng trên 5-6 triệu đồng, thậm chí 7 triệu đồng/người. So với trước dịch, giá tour đi Đà Nẵng chỉ 4-5 triệu đồng (4 ngày 3 đêm) thì nay giá đã đắt gấp 1,5 đến gần 2 lần.
Đắt đỏ nhất hiện nay là giá tour Côn Đảo, Đà Lạt và Phú Quốc. Do giá vé khứ hồi Hà Nội - Phú Quốc, nhất là dịp cuối tuần và dịp lễ 30/4-1/5 hiện đã lên trên 7 triệu đồng, cao hơn ngày thường từ 2,5-3 triệu đồng.
Như tại Vietravel Airlines, các chuyến bay của hãng từ Sài Gòn và Hà Nội đến các điểm du lịch trong nước như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phú Quốc đều được đạt được 80-100% số chỗ ngồi trong dịp cao điểm từ 27/4 đến 3/5. Trong đó, các chặng bay từ Sài Gòn đến Phú Quốc gần như “cháy vé”. Chặng bay Hà Nội - Phú Quốc vé còn nhiều nhưng cũng ở mức rất cao.
Giá tour dần định hình mặt bằng mới
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đoàn Tuấn, Trưởng phòng Du lịch trong nước, Công ty Du lịch dịch vụ Hà Nội (Hanoi Toserco), nhận xét, thông thường mọi năm, tháng 4-5, lượng vé bay rẻ còn nhiều, kể cả tháng 6 - tháng 7 vẫn có. Song, năm nay dù chưa chính thức vào hè, hầu hết các hãng đã hạn chế tung ra lượng vé rẻ này. Lượng vé máy bay giá rẻ, khuyến mãi rất ít khiến giá vé luôn ở mức cao, ảnh hưởng lớn tới du khách và các công ty lữ hành. Giá tour đường bay tại công ty vì thế cũng tăng khoảng 20%.
"Nhiều khách đến công ty hỏi tour nhưng ngần ngại vì thấy giá tăng cao. Họ cũng bất ngờ không nghĩ giá vé máy bay đắt vậy nên chùn bước, suy tính lại và một số chuyển sang bay chặng ngắn, đi tour đường bộ. Mà ngay cả chặng bay ngắn, giá vé cũng đắt đỏ", ông Tuấn nói.
Do đó, ông kiến nghị các hãng nếu có tăng vé máy bay thì tăng theo lộ trình, tránh gây khó cho các công ty lữ hành.
Ngoài ra, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc HanoiTourism, cho hay, nguyên nhân khiến giá vé hàng không tăng vọt là sau 2 năm bị dồn nén bởi dịch bệnh, nhu cầu đi du lịch tăng mạnh như chiếc lò xo bật lên, cung không đủ trong khi lượng cầu quá cao. Chưa kể, các hãng bay mới mở lại một số đường bay chính, chưa mở lại một số chặng bay ngắn. Bên cạnh đó, giá dịch vụ lưu trú, ăn uống ở hầu hết các điểm đến cũng tăng buộc các đơn vị lữ hành phải đẩy giá tour lên.
"Có thể khẳng định, sau Covid, giá tour kích cầu, khuyến mãi giờ không còn nữa mà đang dần thiết lập một bảng giá ổn định. Khách có mong muốn được giảm giá cũng khó, vì bản thân lữ hành cũng đủ nghèo rồi, không thể giảm thêm", giám đốc một đơn vị lữ hành bày tỏ.
Đặc biệt, nhiều đơn vị lữ hành còn “đau đầu” với các vé máy bay theo các chương trình du lịch bảo lưu từ năm trước do dịch bùng phát.
Bà Ngần chia sẻ, có chặng giá vé máy bay tăng cả 2 triệu đồng/người nên nhiều du khách kêu ầm ĩ, không hài lòng bởi họ đã bỏ tiền ra mua tour trọn gói, nay chuyển thời điểm thì phải chuyển ngang, lại phải đóng thêm tiền vé máy bay. Trong khi theo quy định, hàng không vẫn bắt đóng tiền chênh lệch. "Đơn vị lữ hành như chúng tôi đứng giữa nên kẹt cứng. Đích thân tôi phải gặp các trưởng đoàn khách để tìm phương án xử lý”, bà Ngần nói.
Bà Trần Thị Bảo Thu, đại diện công ty Fiditour - Vietluxtours (TP.HCM) cũng cho biết, các dịp lễ và hè hàng năm đều được xác định là thời điểm cao điểm của mùa du lịch nên với các tuyến hot, tham quan vào thời gian nghỉ lễ hoặc cuối tuần đều có giá dịch vụ tăng từ 10-20% tuỳ tuyến. Giá tour tăng chủ yếu do giá vé máy bay và phòng khách sạn tăng.
Ngọc Hà
Việt Nam hoàn toàn mở cửa du lịch cả nội địa và quốc tế nên dự báo, nhu cầu đi du lịch sẽ bùng nổ. Giá vé máy bay dịp 30/4-1/5 đã tăng mạnh.