Sự hỗ trợ là nguồn động viên cho các nhà văn trẻ
Câu chuyện về những tấm vé máy bay dành cho các đại biểu Hà Nội vào Đà Nẵng dự hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 7 đang là chủ đề nóng khiến dư luận có những ý kiến trái chiều.
Độc giả Phạm Thanh Dương chia sẻ cùng VietNamNet về quan điểm “kinh phí tạo động lực tinh thần”: “Đúng, một nhà văn để sống được bằng nghề viết văn là khó, đây là các nhà văn trẻ họ đi dự hội nghị và muốn có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương tới họ. Sự quan tâm ấy không phải là cái bắt tay suông mà là kinh phí tạo động lực tinh thần. Tôi xin trích lại phần nhấn mạnh của Hội Nhà văn: Quan tâm tới người trẻ làm văn hóa, trong đó có văn học, chính là sự quan tâm có trách nhiệm cho tương lai. Dẫu biết viết văn là việc cá nhân nhưng sự quan tâm đến nhau cũng là sự liên tài, nguồn động viên lớn lao, tạo thêm sinh khí cho môi trường sáng tạo".
Còn theo độc giả ThuyHoaDieu thì: “Hỗ trợ cho tài năng, năng khiếu phát triển nhẽ ra cần làm sớm và hào phóng. Hoạt động thể thao hỗ trợ được, tại sao văn chương lại không?”
Độc giả P. Phương Nga phân tích thẳng thắn: “Thật ra, các nhà văn nhà thơ nhạy cảm hơn người bình thường rất nhiều. Họ đã phải nhờ tới sự hỗ trợ thì tức là không còn lựa chọn nào khác. Thế nên khi lời đề nghị bị từ chối, họ cũng phải giữ sĩ diện chứ! Còn ngửa tay nhận thì quá buồn cười. Ủng hộ Hội Nhà văn từ chối món quà muộn và có phần bất đắc dĩ này”. Bạn Lê Ngọc Hân cũng ủng hộ việc Hội Nhà văn tự túc mua vé máy bay cho đại biểu: “Danh hiệu hay quà tặng hay hỗ trợ còn gắn liền với lòng tự trọng của người nhận. Hoan nghênh sự "từ chối" rất hay của Hội Nhà văn!”.
Ai mời nhà văn biểu diễn để có kinh phí đi hội nghị?
Một độc giả ký tên 'Guest' động viên các nhà văn trẻ: “Các bác hãy cố gắng viết hay lên, bán lấy nhiều tiền mà mua vé máy bay!”. Trong khi bạn đọc Trần Mạnh Hùng nêu ý kiến: “Ngẫm đi thì cũng ngẫm lại, diễn viên - ca sĩ dễ sống hơn nhà văn - nhà thơ nhiều. Doanh nghiệp có thể mời họ biểu diễn, mời họ đại diện hình ảnh. Họ có kinh phí cho các hoạt động nghệ thuật của mình. Còn ai mời nhà văn nhà thơ biểu diễn để họ có tiền có kinh phí đi dự hội nghị những người viết văn trẻ không?”.
Cũng có góc nhìn tương đồng với bạn Trần Mạnh Hùng, độc giả Lê Tuấn Việt chia sẻ: “Nhiều người nêu ý kiến các nhà văn phải chủ động mua vé, thanh toán chi phí đi lại... Đúng thế nhưng trước hết, để làm được thế, độc giả cần trả tiền cho các tác phẩm của các nhà văn. Đừng đọc chùa, đừng đọc online, đừng đọc sách lậu... Có thế nhà văn mới có tiền để chi trả và không sống dựa vào bất cứ nguồn ngân sách nào”.
Trong khi đó, bạn Trường Sơn cho rằng: “Cơm áo không đùa với khách thơ (văn)... Nếu để họ phải nặng gánh tiền bạc thì làm gì còn cảm hứng, còn linh cảm mà sáng tác? Tôi nghĩ họ không phải hiệp hội ngành nghề thì nên có những hỗ trợ kịp thời và đúng lúc”.
Ở một góc nhìn khác, độc giả Linhdong đặt vấn đề: “Cần gì tài trợ! Nhà văn là tài năng tự cứu được mình vì vậy phải viết đúng tâm can mình mà không phải viết theo phong trào, chỉ đạo”.
Xin tài trợ vé máy bay để đi đại hội là thiếu tự trọng
Bạn đọc Lê Văn Phủng không tán đồng việc Hội Nhà văn xin hỗ trợ: “Về nguyên tắc, các Hội và Hội viên phải tự lo lấy, ngân sách Nhà nước không cấp cho hoạt động mang nặng tính cá nhân nào. Hội nào và Hội viên nào cũng vậy”. Bạn đọc Táo Văn hóa LHH thì đặt vấn đề: “Thông thường một nhà văn có thể kiêm một "nhà" khác, ví dụ nhà giáo, nhà công nghệ, nhà mạng, thậm chí có nhà cho thuê.... Nghĩa là ai cũng có những mảng khác để kiếm sống. Thiết nghĩ thời buổi này rất ít có nhà văn giống như anh giáo Thứ trong Sống mòn ngày xưa. Vì vậy, đặt vấn đề xin tài trợ vé máy bay để đi đại hội là thiếu tự trọng, là làm phiền nhà nước”.
Độc giả Vũ Viết Thuấn chia sẻ: “Tôi rất mặc cảm với các loại công văn xin hỗ trợ. Nếu cảm thấy kinh phí hạn hẹp nên tổ chức họp trực tuyến, sao cứ phải vào Đà Nẵng? Hãy nghĩ tới nhiều em nhỏ miền núi cơm chưa đủ no áo chưa đủ ấm, giày dép không có mà đi để cân nhắc mà hành động”. Trong khi đó, theo bạn Thanh Hiep Nguyen, Hội Nhà văn “không bỏ được tính cách bao cấp và lệ thuộc, Hội Nhà Văn Việt Nam cứ "đến hẹn lại lên", chẳng cần chuẩn bị ngân sách tiêu dùng cho hội nghị của mình”.
Hoàn Dân hy vọng các hội phải “tự lực”: “Tuy rất khó khăn, nhưng người dân vẫn đóng đủ các loại thuế để "nuôi" các hội rồi. Các hội phải hiểu điều đó và phấn đấu tự lực dần đi là vừa”.
Đây cũng là quan điểm của khá nhiều độc giả. Theo bạn Đặng Trí Dũng: “Hội Nhà văn còn dựa dẩm vào nhà nước nhiều quá, không có tinh thần cầu tiến theo cơ chế thị trường. Cứ hoài cổ theo kiểu bao cấp thì làm sao theo kịp tiến bộ xã hội đây? Làm sao sáng tác phát triển theo kịp trào lưu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà? Hãy xếp bút nghiên, học tập theo tinh thần xóa bao cấp đầy đủ rồi hãy tổ chức hội nghị giao lưu”.
Bạn Dung Bui cho rằng: “Hội nào thì cũng vậy cả thôi đã có kinh phí hoạt cả năm trích ra từ ngân sách của Nhà nước (tiền thuế của dân), căn cứ vào đó mà chi tiêu, nếu không đủ đi máy bay thì đi tàu hay ô tô. Không thể cứ nhân danh Hội mà xin mãi. Nếu các Hội khác cùng xin thì Thành ủy Hà Nội tính sao? Tôi đồng tình với việc không chi cho các công văn xin tiến để đi họp của các Hội như vậy. Tiền thuế của dân cần chi tiêu đúng…”.
Nguyễn Dũng lại nêu ý kiến: “Hội nào cũng nghĩ mình quan trọng, cũng đi xin thì tiền ở đâu ra vậy, sao không tự mở các hoạt động mà kiếm tiền quỹ để hoạt động?”. Đây cũng là góc nhìn rất đáng quan tâm, chú ý đối với các hội văn học - nghệ thuật.
Lê Cúc (tổng hợp)