Kinh doanh phụ kiện công nghệ tồn tại song hành cùng với điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng… Tuy nhiên, nhóm ngành phụ kiện lại không có được những sự thay đổi đáng kể trong suốt một khoảng thời gian dài.
Cho đến khi các thương hiệu như Apple, Samsung, Xiaomi,... đưa ra quyết định nhằm thay đổi hoàn toàn ngành phụ kiện. Các mẫu sản phẩm công nghệ dần bỏ đi cổng kết nối phổ thông, thậm chí cổng kết nối 3,5 mm để sử dụng tai nghe cũng bị loại bỏ. Điều này khiến lĩnh vực kinh doanh phụ kiện công nghệ được thúc đẩy phát triển nhanh chóng, bởi lúc này người dùng không còn sự lựa chọn họ buộc phải mua thêm phụ kiện kèm máy.
Lê Hải Vũ - sáng lập thương hiệu velasboost.
Tại Việt Nam, chỉ tính riêng với điện thoại thông minh thì đã có đến 66,9 triệu người dùng (theo thống kê của Statista năm 2021), như vậy có đến hơn một nửa dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Và con số 66,9 triệu người dùng này đã đưa Việt Nam vào top 10 những nước có người dùng điện thoại thông minh nhiều nhất thế giới.
Thị trường Việt Nam là một thị trường hấp dẫn cho việc kinh doanh các sản phẩm phụ kiện công nghệ. Nhưng những món phụ kiện mà người Việt có thể mua được lại không phải của Việt Nam. Điều này đã không ngừng thôi thúc anh Lê Hải Vũ tạo ra thương hiệu velasboost, thương hiệu công nghệ Việt phục vụ cho người Việt.
Từ niềm đam mê khi còn trên ghế nhà trường đến những khó khăn để có được củ sạc nhanh đạt chuẩn Apple
Cơ duyên nào đưa anh đến với công việc thiết kế và kinh doanh sản phẩm phụ kiện công nghệ?
Cũng như bao thế hệ 8x 9x khác, khi còn trên ghế nhà trường mình đã mang niềm đam mê với những sản phẩm công nghệ, luôn muốn được trải nghiệm các thiết bị công nghệ mới, đặc biệt là thương hiệu BlackBerry.
Trước khi thành lập velasboost mình từng có kinh doanh các sản phẩm điện thoại thông minh nhưng là hãng cũ, chủ yếu là BlackBerry. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này dần trở nên khó khăn hơn, dung lượng thị trường dần thu hẹp lại, BlackBerry cũng dần mất đi người dùng, nên mình không thể mở rộng mô hình ra được. Hơn nữa, điện thoại cũ thì chất lượng không đảm bảo và không đáp ứng được sự liên tục về mặt hàng hóa. Xét trên đường dài thì việc kinh doanh này không phù hợp để phát triển lâu dài.
Nhưng chính nhờ kinh doanh điện thoại đã tạo điều kiện cho mình có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các phụ kiện công nghệ. Mình bắt đầu tìm hiểu và phát hiện ra rằng Việt Nam chưa có thương hiệu nào làm được các phụ kiện công nghệ đáp ứng được tiêu chuẩn để phục vụ người dùng. Thị trường kinh doanh phụ kiện vẫn còn nhiều cơ hội để mình có thể làm và mở rộng mô hình kinh doanh trong tương lai. Công nghệ cũng là thế mạnh của mình, mình hiểu được cái mình sắp làm và cũng rất hiểu khách hàng trong lĩnh vực này, nên đã quyết định chuyển hướng sang làm phụ kiện công nghệ luôn từ đó.
Những khó khăn mà anh gặp phải khi xây dựng thương hiệu velasboost?
Cái khó khăn nhất là việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, trước đây mình bán sản phẩm theo kiểu “nông dân”, mình có gì thì bán nấy thôi, chưa có kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài. Và mình đã vướng phải vấn đề đầu tiên, Apple họ yêu cầu khá nhiều thứ, yêu cầu kiểm tra thông tin của mình trước, kiểm tra trang bán hàng và một vài sản phẩm của mình vi phạm chính sách của Apple, họ yêu cầu phải giải trình. Mình không biết phải giải trình thế nào cho hợp lý, trong khi Apple thì làm việc rất nghiêm khắc, lúc đó mình từng nghĩ Apple đã từ chối mình rồi.
Sau đó mình đã phải viết mail xin lỗi Apple rất nhiều lần và khắc phục các lỗi, thay đổi chỉnh sửa để phù hợp với Apple. Khi mọi vấn đề được giải quyết thì velasboost và Apple mới có thể cùng làm việc với nhau.
Mình đã có được ngay bài học đầu tiên, cái giá phải trả đó là mất nhiều tháng trời chỉ để xử lý hết những vấn đề vi phạm với Apple.
Nỗ lực nào cũng sẽ có kết quả, xử lý vấn đề với Apple đã cho mình nhiều kinh nghiệm hơn, cho đến thời điểm này velasboost đã đạt được 5 chứng chỉ MFi từ Apple. Không những vậy, velasboost cũng có được mẫu tai nghe true-wireless đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn aptX từ Qualcomm.
Shark Tank và câu chuyện gọi vốn 50/50
Lý do gì khiến anh quyết định tham gia gọi vốn từ Shark Tank?
Ngành hàng mà velasboost đang tham gia, sản phẩm giá trị khá cao dẫn đến cần vốn lớn. Nếu muốn sản xuất một sản phẩm với lượng hàng lớn sẽ tốn rất nhiều tiền và không phải nhà máy nào cũng có thể làm được sản phẩm cho velasboost.
Nếu muốn mở rộng quy mô kinh doanh, muốn đưa được sản phẩm của mình vào các cửa hàng, đại lý lớn cần có sản lượng lớn. Tóm lại, lĩnh vực mà velasboost đang tham gia cần một lượng vốn rất lớn để có thể hỗ trợ phát triển kinh doanh nên mình đã không ngần ngại tham gia Shark Tank.
Có người từng nhận định gọi vốn 50/50 là không tốt cho cả start-up và Shark, anh nghĩ sao về vấn đề này?
Phía Shark Phú có rất nhiều lợi thế, nguồn vốn lớn, thậm chí là có cả nhà máy để hỗ trợ mình. Việc có nhà máy sẽ giúp sản xuất sản phẩm theo đúng yêu cầu của mình. Nội địa hóa sẽ giúp rút ngắn thời gian làm sản phẩm và rất dễ để kiểm duyệt chất lượng. Mà khâu kiểm duyệt chất lượng sản phẩm rất quan trọng, đồ công nghệ nếu vô tình gặp vấn đề sẽ rất khó để xử lý, chứ không như cái quần, cái áo, lỗi là có thể đổi trả ngay cái mới.
Vì vậy, với mức đánh đổi là 50% để mình tiếp cận thị trường hàng trăm tỷ hàng ngàn tỷ thì mình thấy cũng là xứng đáng thôi.
Shark Phú rất quan tâm đến lần gọi vốn này của velasboost, nên mới muốn sở hữu phần trăm cao, vì nếu không thực sự quan tâm Shark có thể chỉ sở hữu 10-20% thôi. Cũng chính vì Shark Phú quan tâm, nên trước khi chương trình lên sóng, Shark cũng đã liên hệ với mình để làm các vấn đề liên quan đến tài chính, báo cáo, hỗ trợ quá trình thẩm định.
Anh có sợ rằng velasboost sẽ bị thâu tóm nếu câu chuyện hợp tác không như ý?
Theo mình, nếu làm nhỏ thì có lẽ sẽ an toàn, nhưng khi bạn tham gia vào một thị trường lớn, một cái ao lớn bắt buộc bạn cần phải có đòn bẩy và việc bạn phải hy sinh một phần cho người khác là đường nhiên. Câu chuyện kinh doanh thì sẽ có rủi ro, nhưng đã làm kinh doanh sẽ phải cố gắng hết sức.
Nhưng thú thật, mình cũng không nặng nề chuyện này, vì vậy mà khi Shark đưa ra 50% thì mình cũng không có suy nghĩ đong đếm quá nhiều. 50% của một thứ to lớn thì nó rất khủng khiếp, nhưng 50% của một cái gì đó còn nhỏ thì nó chẳng đáng kể. Vì nếu không có Shark Phú, có thể velasboost chỉ là một thương hiệu cỏn con, người ta có thể nhớ hoặc quên, nhưng khi có Shark Phú cùng hỗ trợ, mình hy vọng velasboost sẽ là thương hiệu top 1 Việt Nam.
“Không chỉ cáp sạc, velasboost sẽ là hệ sinh thái phụ kiện công nghệ”
Tại sao anh không ngại hay thậm chí đã rất thẳng thắn khi chia sẻ về xuất xứ của sản phẩm với các Shark?
Giấu người tiêu dùng đã khó, muốn giấu các Shark mình nghĩ lại càng khó hơn. Các sản phẩm như quần áo, giày dép thì có thể sản xuất trong nước, nhưng với các sản phẩm công nghệ thì việc sản xuất trong nước không hề đơn giản.
Mình cũng đã tìm hiểu một số công ty ở Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm đạt chuẩn MFi, nhưng thực tế thì công ty đó vẫn là công ty nước ngoài đặt chi nhánh ở Việt Nam mà thôi.
Thẳng thắn ngay từ đầu sẽ giúp các Shark hiểu được vấn đề của velasboost, velasboost cần một nhà máy để có thể tự sản xuất sản phẩm. Shark Phú là người đã có kinh nghiệm gia công cho một công ty cùng ngành. Và cái bắt tay với Shark sẽ giúp velasboost giải quyết được vấn đề đó.
Đâu là lợi thế của velasboost khi cạnh tranh với các thương hiệu phụ kiện lớn?
Ngay từ đầu khi bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường là mình đã xác định cạnh tranh với các thương hiệu phụ kiện lớn. Mình đã tìm hiểu rất kỹ rằng xem họ là ai, ưu thế của họ là gì, trong tay họ đã có những gì rồi. Các thương hiệu lớn thì cách làm cũng giống như velasboost họ cũng thiết kế và đặt sản xuất, nhưng nguồn lực họ lớn và có thể can thiệp sâu hơn vào khâu sản xuất.
Về phía velasboost thì vẫn còn là “tay mới” trong lĩnh vực này, lợi thế của velasboost là các sản phẩm sẽ có giá tốt hơn nhưng chất lượng tương đương với các thương hiệu lớn.
Nếu thương vụ của velasboost trên Shark Tank thành công có phải sản phẩm velasboost có phần nội địa hóa cao hơn?
Đúng vậy, với lợi thế về nhà máy từ Shark Phú thì những bộ phận bên ngoài của sản phẩm như vỏ, khuôn, mạch,... có thể tự xử lý. Tất nhiên, với chip thì vẫn sẽ phải mua bởi vì đây là sản phẩm độc quyền và Việt Nam không thể tự sản xuất. Nhưng tỷ lệ nội địa hóa của một số sản phẩm có thể lên 70% đến 80%.
Tức là giá các sản phẩm velasboost sẽ rẻ hơn và người dùng dễ tiếp cận hơn?
Nhiều người dùng hay nói sản phẩm của velasboost là đắt, tuy nhiên sản phẩm bên mình là sản phẩm có chứng chỉ, nếu so với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường và bảo là giá velasboost cao thì không đúng. Xét trên cùng hệ quy chiếu là các phụ kiện Trung Quốc có chứng chỉ thì velasboost đang có mức giá rất cạnh tranh, người Việt sẽ không phải đắn đo lựa chọn phụ kiện Việt khi so với với hàng Trung Quốc nữa.
Về việc nội địa hóa, khi đã có nhà máy và có thể chủ động hơn trong khâu sản xuất, số lượng sản phẩm có thể làm ra được lên đến hàng triệu sản phẩm thì giá của các sản phẩm velasboost sẽ tốt hơn nữa.
Sau Shark Tank định hướng tương lai mà velasboost sẽ là gì? Liệu có thay đổi với dự tính của anh hay không?
Với velasboost, ngay từ đầu mình đã muốn xây dựng hệ sinh thái phụ kiện công nghệ và vẫn đang theo kế hoạch này. Hiện tại, hệ sinh thái velasboost đang có 29 sản phẩm, định hướng là sẽ tăng gấp đôi được số lượng mẫu mã sản phẩm so với hiện tại.
Trong đó, sẽ có những dòng sản phẩm mới liên quan đến các lĩnh vực nhà thông minh, xe hơi và những phụ kiện công nghệ lifestyle giúp ích cho đời sống hàng ngày, chứ không đơn thuần là các phụ kiện cho điện thoại, máy tính bảng hay MacBook như hiện nay.
Nếu velasboost phát triển mạnh mẽ, liệu anh có dự định làm tiếp một cái gì khác của người Việt hay không? Chẳng hạn như smartphone?
Có chứ, nếu mình đủ điều kiện, đủ sức và đủ trí tuệ thì mình vẫn sẽ làm thôi. Đam mê và cũng là sở thích của mình là tạo ra sản phẩm, nó luôn thôi thúc mình phải tạo ra cái sản phẩm mới tốt hơn sản phẩm cũ.
Cảm ơn anh Lê Hải Vũ vì những chia sẻ rất chân thực về velasboost cũng như câu chuyện kinh doanh của cá nhân anh.
(Theo Trí Thức Trẻ)
Tham vọng đạt 100 triệu user, startup mạng xã hội cho thú cưng ra về trắng tay ở Shark Tank
Ứng dụng mạng xã hội dành cho thú cưng kiếm tiền từ quảng cáo Pety cho biết được định giá 1 triệu USD, đặt mục tiêu có 100 triệu user trên toàn thế giới.