Chính thức mở cửa vào năm 1978 ở Vernon, New Jersey, công viên Action Park (Công viên Hành động) của nhà sáng lập Gene Mulvihill, nổi lên như một trong những tổ hợp giải trí hiện đại và đa dạng nhất nước Mỹ.
Action Park gồm ba khu riêng biệt gồm: Trung tâm leo núi (Alpine), Trường đua xe (Motorworld) và Công viên nước (Waterworld). Đây cũng là một trong những công viên nước hiện đại đầu tiên của nước Mỹ.
Andy Mulvihill, con trai của Gene Mulvihill, cho biết: "Cha tôi muốn tạo ra những trò chơi kích thích hưng phấn của du khách nhất có thể".
Thời kỳ hoàng kim của Action Park vào khoảng đầu và giữa những năm 1980, với khoảng 1 triệu lượt khách mỗi năm. Chỉ tính riêng những ngày cuối tuần, công viên này đã thu hút tới 12.000 du khách. Khi đó, nhiều gia đình từ khắp nơi như New York hay Colorado đã đổ tới New Jersey và dành cả ngày để trải nghiệm các trò chơi đầy mới mẻ tại đây.
Với diện tích lên tới 100 ha, công viên nước trong tổ hợp Action Park được coi là điểm đến chính với 75 trò chơi bao gồm 35 trò chơi có động cơ, tự điều khiển và 40 đường trượt nước.
Khu đường trượt Alpine, nơi xảy ra tai nạn chết người đầu tiên ở Action Park |
Tuy nhiên, những sự cố bắt đầu xảy ra do tính chất nguy hiểm của các trò chơi. Ngày 08/07/1980, George Larsson, Jr, 19 tuổi, trong khi chơi trò xe trượt Alpine thì chiếc xe bất ngờ bị văng khỏi đường ray khiến đầu nạn nhân đập phải hòn đá gần đó và tử vong ngay tại chỗ.
Những sự cố liên quan tới kỹ thuật, nhân viên liên tiếp xảy ra |
Gene Mulvihill sau đó trả lời truyền thông rằng Larsson là một nhân viên của công viên, đã thiệt mạng khi đang thử nghiệm trò chơi. Tuy nhiên, người này thực chất lại là người điều hành thang máy trượt tuyết của công viên gần đó và chưa bao giờ làm việc tại Action Park.
Rất nhiều người đã bị thương sau khi chơi các trò chơi mạo hiểm, hành động ở Action Park |
Những tai nạn nhỏ xảy ra với tần suất ngày càng dày đặc. Bà Susie McKeown, hiện đã 52 tuổi, nhớ về chuyến đi chơi ở Action Park sau khi tốt nghiệp trung học hơn 30 năm về trước, cho biết, đâu đâu cũng thấy người bị thương hoặc trầy xước ở khuỷu tay hoặc đầu gối.
Bà McKeown sau đó cũng về nhà với một chiếc răng cửa gãy do lao thẳng từ ống trượt xuống một chiếc hồ nước lạnh lẽo và va vào thành.
Hồ tạo sóng thủy triều là nơi xảy ra nhiều tai nạn chết người nhất |
Sau đó, chỉ trong một tuần mùa hè năm 1982, đã có hai người thiệt mạng liên tiếp tại khu Công viên nước của Action Park. Nạn nhân là một cậu bé 15 tuổi, chết đuối trong hồ bơi tạo sóng thủy triều và một người đàn ông 27 tuổi từ Long Island, chết sau khi bị lật khỏi thuyền kayak.
Xe cấp cứu liên tục vận chuyển các nạn nhân bị thương từ công viên này |
Tuy nhiên, các quan chức của công viên này vẫn cho rằng tỷ lệ thương tật và tử vong về mặt thống kê là không đáng kể. Bất chấp việc giám đốc phòng cấp cứu tại một bệnh viện gần đó cho biết họ đã điều trị từ năm đến mười nạn nhân từ các vụ tai nạn ở công viên vào những ngày cao điểm.
May mắn với công viên này dường như không còn được nối dài. Vào mùa hè năm 1984, sau cái chết của hai nạn nhân mới nhất do chết đuối và đau tim, Action Park đã thực sự phải đối mặt với các vấn đề pháp lý và tài chính bắt nguồn từ các vụ kiện sau đó. Nhà sáng lập công viên Gene Mulvihill, bị kết án 11 năm tù, liên quan tới gian lận bảo hiểm.
Sau khi một nạn nhân 18 tuổi tiếp tục chết đuối trong hồ bơi sóng thủy triều năm 1987 thì một vài trò chơi đã bị buộc phải đóng cửa và tháo dỡ. Tới đầu những năm 1990, số lượng khách tham quan công viên bắt đầu bị ảnh hưởng do cuộc suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Action Park vẫn được quảng cáo là công viên nước lớn nhất thế giới.
Vào tháng 2 năm 1996, sau khi gánh khoản nợ lên tới 14 triệu đô la Mỹ, Action Park chính thức đóng cửa. Năm 1998, nhà phát triển khu nghỉ dưỡng Intrawest thông báo mua phần lớn diện tích khu trượt tuyết Vernon Valley/Great Gorge, bao gồm cả Công viên Hành động và các khu đất bất động sản khác của nhà Mulvihill với giá 10 triệu đô la Mỹ. Một công viên mới sau đó đã được mở cửa trở lại với tên gọi Mountain Creek Waterpark.
Đỗ An (Tổng hợp)