Kể với bác sĩ Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cô gái cho biết phẫu thuật cách đây hơn 1 tháng, giá 20 triệu đồng. Ca mổ diễn ra tại một phòng có nhiều người ra vào, phẫu thuật viên không có trang phục tiêu chuẩn.
Sau mổ, cô không được hướng dẫn thay băng hay vệ sinh vùng phẫu thuật. Vài tuần trôi qua, cô thấy vết mổ chậm lành, lại có tình trạng chảy dịch, đến spa thì được xử trí khâu lại 3 lần. Tuy nhiên, vết mổ vẫn chảy mủ màu trắng lẫn màu xanh, có hiện tượng nứt toác nên cô vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy mép khâu không chuẩn, kỹ thuật khâu không tốt nên gây xô lệch trên da, chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng, hoại tử da ở vùng ngực, vết mổ chậm lành, chảy dịch. Nếu không được điều trị kịp thời, vết thương bị nhiễm trùng lâu dài sẽ tạo thành sẹo xấu.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, cải thiện tình trạng nhiễm trùng. Khi vết mổ không còn chảy dịch, người bệnh sẽ được phẫu thuật sửa sẹo, nắn lại các vùng khâu bị xô lệch.
"Một ca phẫu thuật sửa ngực bị sa trễ, phì đại... theo đúng kỹ thuật, chỉ định, kỹ thuật tiêu chuẩn chỉ mất từ 10-12 ngày là có thể cắt chỉ, lành thương. Riêng nữ bệnh nhân trẻ tuổi này mất tới hơn 1,5 tháng để làm ngực và sửa chữa", bác sĩ Linh nói với VietNamNet. Hiện bệnh nhân tiếp tục được bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang theo dõi, tuần sau có thể cắt chỉ.
Theo chia sẻ của bác sĩ Linh, tình trạng tai biến sau sửa ngực khá nhiều. Các bệnh viện tại Hà Nội liên tục tiếp nhận các ca vào viện vì biến chứng sau tiêm filler nâng ngực, phẫu thuật ngực (nâng, thu gọn ngực...) tại các cơ sở thẩm mỹ. Riêng tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, mỗi tháng tiếp nhận từ 2 tới 4 ca.
Trước cô gái 22 tuổi này, bệnh viện cũng xử trí một trường hợp nhiễm trùng khi phẫu thuật thu gọn quầng vú tại một cơ sở thẩm mỹ. Cô gái 23 tuổi bị phì đại vùng ngực, chi phí phẫu thuật hết khoảng 5 triệu đồng.
Sau phẫu thuật, người bệnh có tình trạng chảy dịch mủ, vết mổ bị toác, nứt, làm cho vết mổ bị hở và nhiễm trùng. Cơ sở thẩm mỹ cũng điều trị cho bệnh nhân, khâu vết mổ vài lần nhưng tình trạng nhiễm khuẩn nặng thêm.
Vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bác sĩ phải phẫu thuật cắt lọc, làm sạch ổ mủ, cho bệnh nhân dùng kháng sinh, tiêm phòng, truyền dịch. Tới ngày thứ 5, vết thương tiến triển tốt, hết tình trạng chảy mủ, chảy dịch. Cô gái phải điều trị tại bệnh viện hơn hai tuần, mất thời gian hơn so với các ca nhiễm khuẩn thông thường.
Bác sĩ Linh khuyến cáo chị em muốn phẫu thuật thẩm mỹ cần tìm địa chỉ uy tín, được cấp phép, phòng mổ đảm bảo, bác sĩ và nhân viên thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề để được làm đẹp an toàn.
Với những trường hợp có tuyến vú quá to, bác sĩ khuyên nên đến gặp, thăm khám, tư vấn ở những nơi có các bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám để loại trừ những tổn thương ác tính, đo đạc các chỉ số để đánh giá mức độ phì đại, sa trễ để đưa ra kế hoạch phẫu thuật cụ thể.
Ngoài các xét nghiệm toàn thân giúp đảm bảo cho một ca mổ an toàn, bệnh nhân có thể sẽ cần phải làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm Doppler mạch máu, chụp mạch máu vùng ngực để đánh giá cấp máu nuôi dưỡng cho quầng núm vú.
Việc đo vẽ một cách chính xác cũng như tính toán dựa trên đường đi của mạch máu giúp các bác sĩ tính toán đường mổ, cách thức mổ cho phù hợp để đạt được kết quả tốt cả về mặt chức năng và thẩm mỹ, tránh các kết quả không mong muốn như tuyến vú không cân đối, hoại tử quầng núm vú, đường sẹo quá dài và xấu…