XEM CLIP:

Được trao trả chiều 8/5/1954, sau này, nữ y tá đã viết một cuốn hồi ký về những ngày tháng ở thung lũng Mường Thanh và tinh thần nhân đạo của nhân dân Việt Nam. 

Bà là một trong số hàng ngàn hàng binh được hưởng chính sách khoan hồng.

Phút giáp mặt nữ y tá người Pháp

Sinh năm 1927, ông Bùi Đáp tham gia quân đội lúc tròn 20 tuổi, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vào cuối năm 1953, và có trọn vẹn “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”.

{keywords}
Ông Bùi Đáp kể về bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ 65 năm trước

Bước sang tuổi 93, vị bác sỹ quân y dáng người nhỏ nhắn, tinh anh vẫn giữ nguyên trí tuệ mẫn tiệp. Ông là người tham gia giải giáp hàng binh Pháp sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc; trực tiếp xuống bệnh viện dã chiến của Pháp tiếp nhận thương binh và điều trị cho đến khi họ bình phục mới trao trả về nước.

“4h chiều 7/5/1954, chúng tôi chuẩn bị tiếp nhận thương binh mới từ mặt trận gửi về, đồng thời bàn giao thương binh đã được sơ cứu về tuyến sau thì nghe thấy tiếng ồn ào bên ngoài.

“Hàng rồi, hàng rồi”, anh giao liên chạy ào đến như một cơn gió. Cờ trắng treo khắp trận địa, ở cả trung tâm chỉ huy hầm De Castries. Vậy là chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn.

{keywords}
Ông Đáp là người gặp gỡ nữ tù binh duy nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Tin thắng trận rung chuyển cả núi rừng.  Một ngày sau, ông Đáp cùng một người làm địch vận xuống bệnh viện dã chiến đặt gần gần hầm chỉ huy của tướng De Castries. Đến nơi, địch đã xếp hàng dài, chắp tay sau gáy, lần lượt ra khỏi boong-ke để lên mặt đất.

Bệnh viện điều trị cho thương binh Pháp rộng chừng 30m2 dưới mặt đất. Khi vào trong, ông nghe tiếng rên rỉ đau đớn từ lính bị thương; khung cảnh tối tăm, ẩm ướt, có rất nhiều người đang điều trị, họ cũng chẳng có giường chiếu gì như mình.

Ghê nhất là mùi hôi thối của những mảnh thịt cắt bỏ từ vết thương, chân tay bị cưa cụt vứt bỏ một chỗ, không được xử lý.

Một nữ y tá người Pháp khoảng 24 tuổi, dáng người thanh mảnh, gương mặt xinh đẹp đưa mắt chào tôi. Sau này, tôi được biết cô ấy tên là Genevieve Degala.

{keywords}
Toàn cảnh đồi A1 nhìn từ flycam 

“Chúng tôi rất bế tắc trong việc điều trị”, cô ấy nói và ngỏ ý nhờ chúng tôi tiếp tục phần việc họ đang làm. Một số lính lê dương làm tay sai cho Pháp phục vụ tại bệnh viện dã chiến này cho biết, những ngày tháng vừa qua là “địa ngục trần gian” mà chúng phải trải qua. Mọi hoạt động sinh hoạt, điều trị… đều diễn ra dưới căn hầm tối tăm ẩm thấp, xú uế.

Chúng tôi dựng những lều bạt trên mặt đất để tập kết các thương hàng binh. Công tác sơ cứu diễn ra khẩn trương, sau đó nhận được chỉ thị về việc thành lập một bệnh viện dã chiến ở Mường Ẳng, đưa binh lính Pháp bị thương về điều trị trong gần 1 tháng. Khi họ đã tương đối bình phục, ta đưa họ về địa điểm bàn giao quân ở Tuyên Quang để trao trả”, ông Đáp kể.

Bệnh viện dã chiến

Bác sỹ Bùi Đáp phụ trách khu 2 của bệnh viện dã chiến điều trị thương binh tham gia chiến dịch. Ông cho hay, công tác chữa trị cho thương binh của ta được chia làm 3 khu: khinh thương, trung thương và trọng thương.

{keywords}
Tái hiện cảnh BS Việt chữa trị cho tù binh Pháp tại bảo tàng ở Điện Biên Phủ

Mỗi ngày, khu 2 của ông Đáp tiếp nhận 60-80 thương binh. Họ sẽ được điều trị trong khoảng 24h, đến 5h chiều hôm sau sẽ chuyển về tuyến sau để tiếp tục điều trị.

Công tác tiếp nhận thương binh mới, chuyển giao thương binh cũ về tuyến sau cứ luân chuyển như thế suốt đêm. Có những ca nặng, bệnh nhân bị chấn thương sọ não, lúc nào miệng cũng hô “xung phong”, “nhảy đi”, phải nhờ 4-5 dân công giữ chân, giữ tay đè nằm xuống.

{keywords}
Ông Bùi Đáp được Đảng, Nhà nước ghi nhận khi góp công lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ 

“Bệnh viện” mà BS Đáp trực tiếp tham gia điều trị nằm gần giáp chân đồi A1. Năm đó mưa sớm thành ra lầy lội, các chiến sỹ đánh nhau ở giao thông hào, vết thương bẩn thỉu, bó buộc sơ sài nên khi tiếp nhận trước tiên phải vệ sinh vết thương thật sạch. Sau khi sơ cứu, thương binh nằm nghỉ dưới lớp lá khô trải trên mặt hầm; nếu người dân cho ít rơm nào thì có rơm làm đệm chứ không có chăn chiếu gì, công việc của chúng tôi cứ suốt ngày như thế, liên tục 56 ngày đêm chiến dịch”, ông Đáp kể.

Chiến dịch kết thúc, ông Đáp tiếp tục công tác tại Quân y viện 103, sau đó về BV huyện Điện Biên Đông và nghỉ hưu từ năm 1980.

Từ một người con của vùng đất Phú Thọ, tham gia chiến dịch, như nhiều đồng đội khác, ông ở lại Điện Biên, trở thành một phần máu thịt của mảnh đất mà ông cùng bao nhiêu đồng đội đã đổ máu.

Một giờ đối mặt tướng De Castries

Một giờ đối mặt tướng De Castries

"Máu" nghề báo khiến Nguyễn Khắc Tiếp quyết định liều "xé rào" quy định của cấp trên hạn chế tiếp cận tù binh quan trọng nhất của trận chiến Điên Biên Phủ - tướng De Castries.

Kiên Trung - Đoàn Bổng - Phạm Công