Chiều 4/8, tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí, trong đó có những vấn đề liên quan đến các vụ sạt lở diễn ra tại địa phương.
Ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 7 tháng đầu năm, ảnh hưởng thời tiết cực đoan khiến địa phương thường xảy ra mưa lớn, lốc xoáy và sạt lở khiến 9 người tử vong. Ảnh hưởng thời tiết cũng làm hư hỏng 235 căn nhà, 283 ha cây trồng, 210m đường giao thông… ước tính thiệt hại hơn 23 tỷ đồng.
Gần nhất, vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, hôm 30/7, khiến 3 CSGT hy sinh và một người dân tử vong. Trước đó, bờ taluy công trình trong hẻm đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt bị sạt lở. Sự cố khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, mùa mưa ở địa phương diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình ghi nhận là 1.750-3.150mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Chẳng hạn, năm 2021 tổng lượng mưa đạt 2.102mm; năm 2022 đạt 2.251mm, còn 7 tháng đầu nay lượng mưa đạt 1.219mm. Trong các huyện, thị xã và thành phố, Đà Lạt và Bảo Lộc là hai địa phương có lượng mưa rất cao với lượng mưa từ 100mm-190mm/ngày.
Mặt khác, Lâm Đồng cũng là tỉnh có địa hình đồi núi, độ cao trung bình 200-1.500 m so với mực nước biển với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa…, có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%).
Theo ông Lộc, với đặc điểm này, kết cấu đất yếu, mỗi khi mưa lớn kéo dài dẫn tới nguy cơ sạt trượt đất rất cao, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở đất.
Qua rà soát, toàn tỉnh ghi nhận 73 vị trí có nguy cơ bị ngập khi xảy ra mưa lớn. Các địa phương đã chủ động sơ tán 2 hộ dân tới nơi an toàn, còn 16 hộ khác trong khu vực xung yếu sẵn sàng di dời khi mưa lớn.
Đối với 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, ông Lộc cho biết, địa phương đã lên kịch bản trong từng tình huống ứng phó. Cụ thể, 94 hộ dân trong khu vực nguy hiểm được đưa đến nơi an toàn. Còn 150 hộ dân khác ở các điểm xung yếu, các địa phương theo dõi để sẵn sàng di dời khi tình hình thời tiết xấu.
Hiện, các địa phương đang ghi nhận thêm các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở, sau đó gửi về Sở NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để có phương án xử lý.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Ninh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng nói, với đặc điểm các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa…, có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%), nên tính liên kết của đất yếu. Cùng với đó, địa hình ở tỉnh chủ yếu đồi núi nên khi mưa lớn kéo dài ngấm xuống dễ xảy ra trượt đất, sạt lở, đây cũng là một trong nguyên nhân dẫn tới các sự cố.
Về nguyên nhân các vụ sạt lở ở Đà Lạt, đèo Bảo Lộc, hay sụt lún xảy trên đường tránh ở TP Bảo Lộc và khu vực thi công dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà - ông Ninh cho biết, hiện cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ.
Đánh giá mức độ nguy hiểm, phức tạp của thời tiết, tỉnh Lâm Đồng đã lập nhóm chỉ đạo, điều hành, kịp thời cung cấp thông tin cảnh báo mưa lớn để các địa phương chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan túc trực, kịp thời ứng phó và hỗ trợ người dân trong mọi tình huống.