Ví dụ cho bài học về biến ngẫu nhiên, phần phương sai và độ lệch chuẩn này sau khi được sinh viên ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Cụ thể, trong bài học, giảng viên đã đưa ra một ví dụ “Gợi ý chiến lược chơi đề có lãi” với nội dung:
“Nguyên tắc của việc chơi có lãi là nếu thắng thì ta phải lấy lại được hết những phần lỗ trước đó và thêm một ít lãi.
Để điều này khả thi, khả năng thắng mỗi lần phải đủ lớn, chẳng hạn 1/2. Tức là ta mua mỗi lần 50 số. Vì cứ khoảng 2 lần là trúng 1 lần nên về nguyên tắc cách làm trên sẽ có lãi.
Nhưng nếu chẳng may lỗ liên tiếp nhiều lần, số vốn lần tiếp theo sẽ rất lớn. Do vậy, điều kiện đủ (chắc chắn) để có lãi là bạn phải có vô hạn tiền!”.
Một sinh viên năm 2 khoa Kinh tế quản lý, ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Thăng Long cho hay, đây là buổi học môn Xác suất thống kê ứng dụng trong kinh tế xã hội do giảng viên N. N. đứng lớp, sáng 28/4. Theo nữ sinh, ví dụ này được giảng viên đưa ra làm ví dụ cho bài học biến ngẫu nhiên, phần phương sai và độ lệch chuẩn.
Trao đổi với VietNamNet, cô N. cho hay, khi xem thông tin sinh viên đăng tải lên mạng xã hội, cô cũng giật mình, cảm nhận hơi nhạy cảm, dù các bình luận cũng chỉ theo hướng vui vẻ.
Theo cô N, đây là một ví dụ vui về ứng dụng xác suất về biến ngẫu nhiên. Bài giảng chung của Khoa có nhiều ví dụ, trong đó có một ví dụ về việc chơi đề, qua đó muốn cho sinh viên biết khả năng thắng là rất thấp từ những tính toán qua kiến thức được học.
Nữ giảng viên này cho hay, thông điệp cuối cùng mà cô muốn truyền tải vẫn là không nên chơi đề. “Bởi dù vẫn có phương án đánh lãi, nhưng muốn đảm bảo như thế thì phải có trong tay vô hạn tiền để theo.
Tôi có bình luận kèm theo slide cho sinh viên là theo chiến thuật nào đi chăng nữa, thì khi gặp rủi ro liên tiếp, muốn thắng được thì cũng phải có vô hạn tiền để theo được.
Điều đó (vô hạn tiền - PV) không dễ, thế nên về cơ bản người chơi sẽ lỗ, bởi thường là trước khi thắng đã hết tiền. Tóm lại thông điệp cuối cùng của tôi là dù tình huống nào, các em sinh viên không nên chơi đề”.
Cô N. nói bản thân cô không đồng ý với việc sinh viên chụp và chia sẻ hình ảnh đó lên mạng xã hội.
“Bởi khi đăng tải như vậy, nhiều khi nhiều người không hiểu hết được, thậm chí có thể nhiều người sẽ hiểu nhầm rằng cô đưa những nội dung này kia, nhưng nếu trong cả chuỗi bài giảng mới hiểu được slide đó mang thông điệp gì".
Thanh Hùng