Phiên đấu giá hơn 140 triệu cổ phiếu LienVietPostBank của Vietnam Post tiếp tục bất thành lần thứ 2 liên tiếp trong năm 2023 do không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Nguyên nhân có thể được dự báo từ trước.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo, không tổ chức phiên đấu giá hơn 140,5 triệu cổ phần LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sở hữu.
Lý do là đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 14/4), không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia mua. Như vậy, Vietnam Post tiếp tục thoái vốn bất thành tại LienVietPostBank lần thứ 2 liên tiếp trong năm nay.
Theo kế hoạch, Vietnam Post sẽ thực hiện bán đấu giá hơn 140,5 triệu cổ phần LPB vào ngày 21/4, với giá khởi điểm 22.908 đồng/cp. Đối tượng tham dự đấu giá là các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong, ngoài nước theo quy định. Với mức giá khởi điểm 22.908 đồng/cp, giá trị của đợt thoái vốn này (tính theo giá khởi điểm) là hơn 3.200 tỷ đồng.
Trước đó, trong đợt bán đấu giá tháng 2/2022, giá khởi điểm được đưa ra là 28.930 đồng/cp. Tuy nhiên, chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua thành công 800 cổ phiếu trong số hơn 122,2 triệu cổ phiếu chào bán.
Sau đó, LienVietPostBank đã phát hành hơn 225,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 100:15 (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới). Sau khi nhận cổ tức, số lượng cổ phiếu LPB do Vietnam Post sở hữu tăng từ gần 122,2 triệu lên hơn 140,5 triệu đơn vị.
Sự thất bại của đợt đấu giá lần 2 cũng đã được dự báo từ trước, khi kế hoạch thoái vốn khỏi LienVietPostBank của Vietnam Post gặp nhiều thách thức.
Tỷ lệ chào bán cổ phiếu không lớn chưa đủ để có tiếng nói trong hoạt động quản trị, điều hành tại LienVietPostBank. Cùng với đó, giá khởi điểm cao hơn 50% thị giá cổ phiếu trên thị trường.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang ở thời điểm chùng xuống. Giá cổ phiếu nhóm ngân hàng không còn cao như hồi cuối năm 2021 đầu năm 2022.
Trong phiên giao dịch ngày 17/4, cổ phiếu LPB đóng cửa giảm gần 3,4% xuống còn 14.300 đồng/cp.
Trong tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, LienVietPostBank muốn đổi tên thành LPBank.
Khác với mọi năm tổ chức tại TP.HCM, năm 2023, LienVietPostBank tổ chức họp cổ đông tại Ninh Bình.
Vào cuối năm 2022 và đầu năm nay, LPB có nhiều thay đổi về lãnh đạo cấp cao. Đầu tháng 12/2022, ông Huỳnh Ngọc Huy đã từ nhiệm HĐQT theo nguyện vọng cá nhân và ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) được bầu làm Chủ tịch.
Trong tháng 3/2023, ngân hàng công bố thông tin về việc ký hợp đồng lao động đối với ông Đoàn Nguyên Ngọc (1975, em rể bầu Thuỵ). Ông Ngọc từng làm Phó Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Xuân Thành.
LienVietPostBank cũng ký hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Thùy (1981, em trai bầu Thuỵ). Ông Thuỳ là Chủ tịch HĐQT Bảo hiểm Xuân Thành từ cuối năm 2015 và đến năm 2021 được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện Bảo hiểm Xuân Thành.
LienVietPostBank thành lập năm 2008 với tên gọi Ngân hàng TMCP Liên Việt. 3 năm sau, ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Sau 9 lần tăng vốn điều lệ, tính đến thời điểm tháng 1/2023, vốn điều lệ thực góp của ngân hàng là hơn 17.291 tỷ đồng.
Theo HNX, trong 2 năm gần đây, LienVietPostBank có kết quả kinh doanh khá tốt, tất cả các chỉ tiêu đều tăng trưởng mạnh. Năm 2022, tài sản tăng hơn 13,3% lên hơn 327.700 tỷ đồng. Lãi thuần tăng gần 32%, lên 11.900 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 1,57 lần so với năm 2021 lên 4.510 tỷ đồng.