- Là một cường quốc hạt nhân đồng thời là một quốc gia phát triển ở Tây Âu, nước Anh trong những năm gần đây vẫn kiên trì mở rộng phát triển nền công nghệ điện năng toàn diện và hiện đại của mình, trong đó điện năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) và điện hạt nhân là hai lĩnh vực ưu tiên nhất.
Với lĩnh vực điện hạt nhân, đồng thời với việc xây nhà máy điện “khủng” Hinkley Point, Anh Quốc dần dần đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân nhỏ khác đã và sắp hết thời hạn sử dụng. Mặt khác, cùng với sự mở rộng mạng lưới điện năng lượng tái tạo sạch (điện gió và điện mặt trời) họ, đồng thời, xóa bỏ các nhà máy điện than gây ô nhiễm bởi phát thải khí nhà kính.
Ưu tiên điện hạt nhân
Dự án điện hạt nhân của Anh Quốc vừa đưa ra là một dự án lớn với nhà máy Hinkley Point C gồm 2 tổ máy hay 2 lò phản ứng năng lượng “khủng” với công suất 1.650 MWe cho mỗi lò.
Các nhà máy điện hạt nhân với các lò Hinkley Point lớn cỡ đó, hiện nay, trên thế giới chỉ mới bắt đầu hoặc dự định xây tại 4 địa điểm: đang xây ở Flamanville (Pháp, nước sản xuất); chuẩn bị xây ở Olkiluoto (Phần Lan gần Bắc cực), sắp xây ở Quảng Đông (Trung Quốc) và đang đưa vào dự án lớn xây ở Somerset (tây nam nước Anh).
Địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy hạt nhân Hinkley Point, miền tây nam nước Anh. Reuters/Suzanne Plunkett |
Bắt đầu triển khai chiến lược dài hạn nói trên, chính phủ Anh của Thủ tướng David Cameron (vừa miễn nhiệm vào cuối tháng 7/2016) đã dự thảo một dự án hợp tác với chính phủ Pháp, với thỏa thuận sẽ ký với Tập đoàn Điện lực Nhà nước Pháp (EDF) xây dựng nhà máy Hinkley Point C với chi phí dự kiến lên đến 18 tỉ bảng Anh (tương đương 26 tỉ đô-la) nhằm mục tiêu đáp ứng 7% nhu cầu điện năng của Anh Quốc.
Ngoài phần trọng tâm nói trên, trong bản dự án phác thảo còn đề cập đến việc Anh và Pháp hợp tác xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ ở các địa phương khác trên đất nước Anh.
Điểm hệ trọng trong bản Dự án sắp ký này là, bên cạnh Pháp có cả sự tham gia của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN). Riêng với việc xây dựng nhà máy Hinkley Point C, phần vốn đóng góp của CGN lến đến trên 30% chi phí; tức khoảng 6 tỉ bảng Anh. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể tham gia thêm vào việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ lẻ khác ở các địa phương của Anh Quốc.
Cũng nên nhắc thêm vài nét về tiến trình lịch sử trước đó dẫn đến bản dự án mà vị thủ tướng David Cameron vừa miễn nhiệm chuẩn bị ký kết. Dự án xây dựng lò phản ứng tại Hinkley Point, thực sự được khởi xướng từ năm 2006 dưới thời của Thủ tướng Tony Blair.
Đến năm 2013, chính phủ Anh của ông David Cameron và Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp EDF mới đi đến sự thỏa thuận đưa vào dự án các con số liên quan đến đóng góp của thành phần thứ ba - CGN từ nước Trung Hoa. Và trước đây không lâu, vào tháng 10/2015, nhân chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới London, bản thỏa thuận sơ bộ về nhà máy điện hạt nhân ở Hinkley Point và điều khoản nhận tài trợ vốn từ Bắc Kinh cũng đã được xác nhận.
Và cuối cùng, ngày 29/7/2016 đã được ấn định là ngày diễn ra lễ ký kết chính thức bản dự án đã thỏa thuận giữa Chính phủ Anh với Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp (EDF).
Thủ tướng mới soi lại dự án cũ
Ngay sát thời điểm ấn định trên đây, nước Anh bỗng thay đổi chính phủ với việc ông David Cameron nhường quyền lãnh đạo cho bà Theresa May.
Và sự kiện đó dẫn đến điều bất ngờ, đúng ngày 29/7/2016, chỉ vài giờ trước khi lễ kí kết diễn ra, đại diện bà Thủ tướng mới Theresa May bỗng tuyên bố quyết định xem xét lại dự án này và chưa xác nhận thời điểm đưa ra tuyên bố cuối cùng. Tất nhiên, ban lãnh đạo Tập đoàn Điện lực nhà nước Pháp EDF đành phải hoãn gấp chuyến bay đặc biệt sang Anh kèm theo “nhiều chai sâm banh hảo hạng” cùng với niềm hy vọng ký kết bản hợp đồng lớn với chính phủ Anh vào đúng ngày hẹn.
Thủ tướng Anh, bà Theresa May. Ảnh từ www.newstatesman.com. |
Và rồi cũng với sự trì hoãn ký kết bản dự án trong ngày 29/7/2016, nước Anh đã làm nước Pháp láng giềng ngỡ ngàng bối rối và đặc biệt không che giấu được mối nghi ngại thầm kín của các quan chức chính phủ mới nước Anh về ý đồ của các nhà đầu tư Trung Quốc trong việc chi phối chiến lược điện hạt nhân Anh quốc và thâm nhập công nghệ lò phản ứng “made in China” vào nền công nghệ điện hạt nhân của nước Anh tiên tiến.
Cụ thể hơn nữa là nghi ngại về ý đồ của CGN (Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc) đưa lò phản ứng thế hệ ba Hualong do Trung Quốc phát triển vào nhà máy điện hạt nhân Bradwell ở miền đông nam nước Anh; trên mảnh đất mà chi nhánh EDF Energy của Pháp đang kinh doanh tại Anh.
Cùng với các mối nghi ngại trên đây, các phương tiện truyền thông và các nhà chính trị Anh Quốc đã vạch ra nhiều mối quan ngại về khả năng Trung Quốc gài sẵn «một ngả tiếp cận bí mật», từ việc xây dựng một số bộ phận riêng rẻ họ sẽ tiến dần lấn sân kiểm soát toàn bộ nhà máy điện hạt nhân của nước Anh..
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc Thủ tướng Theresa May trì hoãn quyết định đầu tư dự án hạt nhân sử dụng một phần vốn từ Trung Quốc nhằm để tránh hậu họa về sau cho nước Anh. Nhiều người cũng liên hệ sự kiện hiện nay dưới thời của nữ thủ tướng Theresa May với một sự kiện lớn hơn trong mối quan hệ Anh - Trung từng xảy ra hơn ba thập kỷ trước, vào năm 1984, dưới thời nữ thủ tướng Magaret Thatcher.
Hồi bấy giờ, vào năm 1984, chính phủ Anh phải chấp thuận trả Hong Kong về cho Trung Hoa đại lục vào năm 1997, điều này được xem là thất bại của “bà đầm thép” trước nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Song bà thủ tướng Magaret Thatcher không chịu thua trắng tay, bằng cách đòi Trung Quốc phải thực hiện điều kiện: Hong Kong phải được hưởng quy chế riêng với hình thức “một nhà nước hai chế độ” kéo dài trong 50 năm.
Sự phẫn nộ của Trung Quốc
Trước sự ngập ngừng của London nói trên, Bắc Kinh đã không che giấu thái độ phẫn nộ.
Đại sứ Trung Quốc tại Anh, ông Lưu Hiểu Minh đã lên tiếng cảnh báo và cho rằng: Việc không xúc tiến được dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point có thể đe dọa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Anh Quốc.
Viết trên tờ Financial Times, ông đại sứ nói rằng, sự chậm trễ phê duyệt nhà máy đưa hai nước tới một "thời điểm lịch sử hết sức quan trọng". Ông ngỏ ý rằng "sự tin tưởng lẫn nhau" có thể sẽ rạn nứt nếu Chính phủ Anh quyết định không thông qua bản thỏa thuận dự án.
Thông tín viên Heike Schmidt của RFI tại Bắc Kinh phản ảnh thái độ của dư luận Trung Quốc, rằng: Bắc Kinh tỏ rõ sự bực bội. Tân Hoa Xã nhận định: “Tất nhiên bật đèn xanh cho một dự án trị giá 24 tỷ đô la không phải là một quyết định dễ dàng… Nhưng điều mà Trung Quốc không thể hiểu là sự ngờ vực không cơ sở đối với đầu tư của Trung Quốc thể hiện qua sự trì hoãn này”.
Cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc cho là: “Trung Quốc không thể chấp nhận những lời tố cáo hời hợt về sự thành thật của mình… Sự trì hoãn từ phía Anh làm cho tình hình thêm bấp bênh.” Và thời đại hợp tác “vàng son” mà cả Bắc Kinh và Luân Đôn đều ca ngợi, nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 10 năm ngoái phải chăng đã kết thúc ?
Họ nhấn mạnh thêm: Dẫu sao thì nước Anh sẽ mất mát nhiều vì theo ý của họ Anh Quốc hiện là điểm đến số 1 của các tập đoàn, công ty Trung Quốc. Và từ năm 2008, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 70 tỷ đô la vào các thương vụ sát nhập và mua lại công ty Anh Quốc.
Tóm lại, sự hợp tác trong Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Somerset (tây nam nước Anh) và hệ thống các nhà máy điện hạt nhân nhỏ lẻ khác ở Anh Quốc là mối quan tâm lớn của chính phủ Pháp (qua Tập đoàn EDF) và cả của Trung Quốc (trực tiếp là Tập đoàn Điện hạt nhân CGN). Nhưng với sự tham gia của nước thứ 3 này và trong giai đoạn chuyển giao chính phủ cũ mới ở nước Anh, việc ký kết bản dự án này đang bị trì hoãn. Mặc dù điều này dẫn đến sự bực bội, phẫn nộ từ Bắc Kinh.
Nhưng mọi khả năng còn đang chờ đợi ở phía trước. Cuộc gặp gỡ Anh - Pháp về bản dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân từ lớn nhất đến nhỏ lẻ đang được vị nữ Thủ tướng mới Theresa May hẹn đến mùa Thu đang tới gần. Kết quả như thế nào sẽ được nhìn thấy trong vài ba tháng nữa thôi.
Trần Minh