Karaoke trong tiếng Nhật là một từ ghép của chữ "kara", nghĩa là không và "oke" là ban nhạc, dàn nhạc. Karaoke do đó chỉ hình thức hát không cần ban nhạc sống chơi đệm, mà theo bài nhạc thu âm sẵn với phần lời được chạy trên màn hình.
Theo bách khoa toàn thư, karaoke ra đời đầu tiên tại Nhật trong những thập niên 1970. Vào năm 1971, nhạc sĩ Daisuke Inoue đã phát minh ra máy hát karaoke đầu tiên trên thế giới - Juke 8 ở Kobe.
Từ khi xuất hiện, karaoke đã nhanh chóng được thương mại hóa và trở nên phổ biến trên toàn nước Nhật. Sức hút của loại hình giải trí này cũng lan khắp thế giới và đặc biệt được ưa chuộng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với manga và trò chơi điện tử, karaoke đã trở thành một trong những sản phẩm giải trí thành công nhất của người Nhật trên toàn cầu, hấp dẫn đối tượng khách hàng thuộc mọi lứa tuổi, giới tính và quốc tịch.
Dịch vụ phát triển mạnh
Trang Guam News dẫn lời Shiro Kataoka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Các nhà công nghiệp karaoke toàn Nhật Bản nhấn mạnh: “Karaoke là công cụ giao tiếp tuyệt vời. Bất kỳ ai cũng có thể tận hưởng nó, không chỉ với gia đình hoặc bạn bè, mà còn với các đồng nghiệp và đối tác kinh doanh. Bạn cũng có thể hát hoặc tập hát karaoke một mình".
Karaoke đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân ở đất nước Mặt trời mọc. Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp karaoke Nhật, năm 2015, nước này có khoảng 9.555 quán karaoke hoạt động với khoảng 47,5 triệu khách hàng. Từ cuối năm 2013, Nhật đã có khoảng 390.000 máy hát karaoke. Doanh thu của ngành ước đạt khoảng 5,8 tỷ USD mỗi năm.
Tại quán karaoke ở Nhật, người dùng dịch vụ sẽ trả khoảng 200 - 300 Yên (1,4 - 2 USD) cho mỗi bài hát. Nhiều quán karaoke còn thiết kế sẵn cả bục sân khấu, hệ thống đèn màu chiếu sáng tạo hiệu ứng như sàn nhảy, để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Hiện tại, cũng có nhiều điểm kinh doanh karaoke tính tiền trọn gói theo giờ. Hầu hết các cơ sở này tính phí vào cửa cho mỗi người mỗi 30 phút, với thời gian sử dụng dịch tối thiểu là một giờ. Nếu khách hàng không chắc mình muốn hát trong bao lâu, họ có thể đặt giờ đầu tiên và sau đó chọn kéo dài thêm 30 phút hoặc một giờ vô hạn định, miễn là không có ai đang đợi bên ngoài và quán chưa đến giờ đóng cửa.
Giá thay đổi theo ngày và giờ trong ngày, đắt nhất vào tối thứ Sáu và thứ Bảy với khoảng 500 Yên (3,5 USD) mỗi 30 phút và rẻ nhất vào các buổi chiều cuối tuần với 150 Yên (1 USD) mỗi 30 phút.
Nếu khách hàng muốn thoải mái sử dụng dịch vụ một mình, họ có thể thuê loại phòng hát dành cho một người với giá khoảng 1.000 Yên (7 USD) mỗi giờ. Khách có thể thuê bao lâu tùy thích nhưng phải đăng ký ngay từ đầu.
Hệ thống quản lý chặt chẽ
Các quán karaoke ở Nhật có thể thuộc quyền sở hữu và nằm dưới sự điều hành của các tập đoàn giải trí, công ty tư nhân, hộ gia đình hoặc các băng nhóm xã hội đen (yakuza). Những cơ sở này thường tọa lạc quanh các ga tàu, trong các tòa nhà thương mại hay trung tâm mua sắm.
Để mở được quán karaoke, những người chủ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về thiết kế và xây dựng, ví dụ bất kỳ tòa nhà kinh doanh karaoke nào cũng phải có đủ cả thang máy và thang thoát hiểm; sử dụng các cửa sổ, cửa ra vào làm bằng vật liệu chống cháy; thiết bị cảm ứng khói, báo cháy được lắp đặt trong từng phòng, phía sau tòa nhà phải có lối thoát.
Các chủ kinh doanh có thể tùy chọn màu sắc biển của quán karaoke nhưng kích cỡ của biển luôn phải tuân thủ theo đúng quy định. Ngoài ra, cơ sở cũng phải trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định và được nhà chức trách thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu đạt yêu cầu trước khi đi vào hoạt động.
Theo báo Japan Times, sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng tại một tòa nhà ở Shinjuku, Tokyo, khiến 44 người chết và 3 người bị thương vào năm 2001 (vụ cháy lớn thứ 5 trong vòng 70 năm ở Nhật kể từ Thế chiến hai), nhà chức trách đã hành động quyết liệt nhằm chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài việc thanh, kiểm tra lại hệ thống chống cháy nổ của tất cả các tòa nhà kinh doanh dịch vụ, các nhà lập pháp cũng sửa đổi luật cháy nổ, tăng nặng hình phạt với những hành vi vi phạm từ tháng 10/2002. Ví dụ, một số vi phạm đã được tăng hình phạt tối đa từ 1 năm tù giam lên 3 năm tù giam cùng khoản tiền phạt tăng từ tối đa 500.000 Yên (3.477 USD) lên 3 triệu Yên (20.863 USD).
Kết quả là, Nhật chứng kiến ít sự cố cháy nổ hơn kể từ năm 2002 trở đi. Trong hơn 50 năm hình thành và phát triển của ngành karaoke ở đất nước này, số lượng các vụ hỏa hoạn hay cháy nổ gây thiệt hại về người nhìn chung rất ít.
Tuấn Anh