Trước đây, có bác sĩ đưa đơn thuốc bằng giấy cho người bệnh là xong, không để lại "dấu vết", nhưng khi minh bạch bằng Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia, không ít người e ngại.
Lời tòa soạn
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, trước 30/6, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử. Theo đó, lộ trình này được đặt ra với bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trong năm 2022, trong khi các cơ sở khám chữa bệnh khác (như trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân...) thì muộn hơn, hoàn thành trước tháng 7/2023.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng đơn thuốc kê tay vẫn còn tồn tại, thậm chí nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ không thể đọc được.
Để phản ánh vấn đề này, VietNamNet tạo diễn đàn Vì sao cần "xóa sổ" đơn thuốc viết tay không ai đọc được của bác sĩ , đồng thời thể hiện rõ tác dụng của việc kê đơn thuốc điện tử.
Thông tư 04/2022 của Bộ Y tế đặt ra lộ trình đến 30/6/2023, tất cả cơ sở y tế trên cả nước phải hoàn thành việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Riêng các bệnh viện từ hạng 3 (thường là các bệnh viện tuyến huyện) trở lên, phải hoàn thành trước 31/12 năm 2022.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay mục tiêu này vẫn còn nhiều thách thức, điển hình là việc kê đơn thuốc viết tay hay kê đơn thuốc in giấy nhưng không có mã đơn không kê bằng hình thức điện tử vẫn tồn tại trong không ít cơ sở y tế.
Chỉ đánh máy đơn thuốc chưa phải là chuyển đổi số
Theo quy định của Bộ Y tế, đơn thuốc điện tử là đơn thuốc được lập, hiển thị, ký số chia sẻ và lưu trữ bằng hình thức điện tử, có giá trị thay thế đơn thuốc giấy. Việc kê đơn thuốc điện tử bằng các phần mềm đã được các cơ sở khám chữa bệnh áp dụng từ vài năm nay, để hoàn thành chu trình khép kín của kê đơn thuốc, chỉ cần tiến hành liên thông chia sẻ đơn thuốc, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý.
Triển khai thực hiện kê đơn thuốc điện tử có nghĩa là đơn thuốc viết bằng tay hoặc đơn thuốc đánh máy rồi in ra nhưng không có mã đơn thuốc, không gửi liên thông về Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (gọi tắt là hệ thống Đơn thuốc Quốc gia) sẽ không thể là một phần của đơn thuốc điện tử.
Thực hiện triệt để đơn thuốc điện tử, những đơn thuốc viết chữ không đọc được như phản ánh của VietNamNet gần đây sẽ không thể tồn tại.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số lượng bác sĩ trên 10.000 dân ở nước ta năm 2022 là 9,4. Với 100 triệu dân, nước ta có khoảng 94.000 bác sĩ. Tuy nhiên, hệ thống Đơn thuốc Quốc gia hiện mới có hơn 80.000 bác sĩ đã đăng ký thông tin mã người hành nghề, là điều kiện để thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử, chưa kể các y sĩ kê đơn chưa đăng ký. Bên cạnh đó hệ thống cũng mới quản lý hơn 10.000 trên tổng số gần 60.000 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.
Mỗi năm, nước ta có vài trăm triệu đơn thuốc được kê. Tuy nhiên, theo cập nhật dữ liệu thời gian thực từ phần mềm Đơn thuốc Quốc gia, từ đầu năm đến giữa tháng 7, mới có gần 50 triệu đơn thuốc được gửi lên kho dữ liệu này, chủ yếu được gửi về từ các bệnh viện hạng 3 trở lên. Một phần 10 trong số này được gửi từ các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, trong khi lượng bệnh nhân khám ngoại trú và điều trị nội trú tại các viện này mỗi ngày lên tới hàng chục nghìn. Tại các địa phương, một số lớn trong suốt 6 tháng qua mới chỉ liên thông được vài trăm nghìn đơn thuốc trên toàn tỉnh.
Nguồn tin của VietNamNet cho hay, đến nay, có nhiều bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội và TP.HCM, trong đó có cả các bệnh viện hạng Đặc biệt, bệnh viện hạng 1, vẫn chưa thực hiện gửi bất kỳ một đơn thuốc nào lên hệ thống Đơn thuốc Quốc gia, dù yêu cầu đặt ra là các viện này trước 31/12/2022 phải hoàn thành kê đơn thuốc điện tử.
Vì sao có bác sĩ không thích đơn thuốc minh bạch?
Một phần nguyên nhân được cho là vì cơ sở, bác sĩ, thiếu thông tin hay hướng dẫn chi tiết cụ thể; phần khác do cơ quan quản lý thiếu cơ chế giám sát, xử phạt cho hành vi không báo cáo đơn thuốc điện tử, liên thông hệ thống. Nhiều cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc cũng có thông tin về việc bán thuốc qua phần mềm của cơ sở với mã đơn điện tử.
"Thực tế, không ít bác sĩ e ngại việc báo cáo đơn thuốc này do tính minh bạch trong vấn đề kê đơn thuốc nếu gửi báo cáo liên thông lên hệ thống. Trước đây, có bác sĩ đưa đơn thuốc bằng giấy cho người bệnh là "xong", không để lại "dấu vết". Nhưng khi minh bạch đơn thuốc bằng Hệ thống Đơn thuốc Quốc gia, cấp quản lý bất kỳ lúc nào cũng có thể kiểm tra, giám sát, "bình đơn"…, chưa kể các yếu tố cá nhân khác, nên họ e ngại", nguồn tin trên chia sẻ.
Ngoài ra, không ít lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh còn chưa thực sự quyết tâm chuyển đổi số, thúc đẩy triển khai liên thông đơn thuốc, hoàn thành kê đơn thuốc điện tử.