Nổi tiếng trong giới sáng tạo và thân thiết nhiều nghệ sĩ, Dzũng Yoko lại có tính cách khép kín, nhạy cảm. Đó là lý do anh nhắn Mỹ Tâm, Tăng Thanh Hà đừng đến triển lãm.
Nghệ sĩ, giám đốc sáng tạo Dzũng Yoko ra mắt cuốn artbook thứ 6 Xuân Hạ Thu Đông (Spring Summer Autumn Winter) - thử thách nhất trong sự nghiệp khi mất đến 4 năm hoàn thành. Sau cuốn thứ 5 Nhị nguyên ra mắt hồi 2021, anh trải qua giai đoạn dịch Covid-19, mắc bệnh trầm cảm.
Dịch bệnh kết thúc, Dzũng Yoko 'như con chim sổ lồng', rời đô thị trở về thiên nhiên. Anh cùng ê-kíp đi từ Bắc đến Nam vừa thưởng lãm cảnh sắc Việt Nam vừa thực hiện các bộ ảnh. Trong gần 2 năm, gần 150 tác phẩm ảnh của 30 người mẫu - nền móng đầu tiên của cuốn artbook Xuân Hạ Thu Đông - ra đời.
Tại triển lãm Xuân Hạ Thu Đông, Dzũng Yoko chia sẻ về đứa con tinh thần anh rất tâm đắc.
Người ta nghĩ Tăng Thanh Hà, Tiểu Vy nhạt nhưng chưa chắc
- Cuốn artbook này quy tụ đến 30 người mẫu nhưng rất ít celebrity (người nổi tiếng), gu anh đã khác?
Tôi không chia những người tham gia dự án này thành người mẫu hay người nổi tiếng mà chụp theo cảm xúc. Tôi từng chụp nhiều người nổi tiếng, mỗi người đều có cái hay riêng.
Chẳng hạn, Mỹ Tâm không phải người mẫu nhưng cực kỳ có hồn, đôi mắt rất tình cảm. Tôi chụp cô ấy nhiều nhưng chưa bao giờ chán. Tăng Thanh Hà đẹp và tinh tế, Liên Bỉnh Phát còn trẻ nhưng có chiều sâu.
Với phong cảnh và thời trang, tôi thiên về người mẫu vì họ không đem cái tôi vào tác phẩm mà hòa nhập, trở thành một phần của nó. Trong khi đó, bản thân người nổi tiếng cùng cá tính và tài năng nổi bật đã là một điểm nhấn trong bức ảnh rồi.
Khi chụp ở Trà Vinh, tôi casting được 2 người mẫu có đường nét gợi tưởng đến văn hóa Khmer - Nam Bộ dù họ không phải người Khmer. Hay ở Huế, tôi chấm Hoàng Oanh - một cô mẫu có gương mặt buồn, nhiều tâm sự, toát ra vẻ của một cung nữ bị bỏ quên ở chốn đền đài ấy.
Tôi chọn bằng cảm xúc thay vì sự nổi tiếng của người mẫu. Mỗi người đều có thiên bẩm nghệ thuật riêng, cần được khai thác một cách phù hợp.
- Hoa hậu Tiểu Vy thì sao? Người ta nói Tiểu Vy đẹp lấn lướt mọi thứ xung quanh nhưng nhạt, anh khai thác thế nào?
Thú thật, tôi rất cân nhắc việc sử dụng hình ảnh của Tiểu Vy và Lâm Thanh Nhã vào cuốn sách ảnh này. Tuy nhiên, trải dài 250 trang sách là những vùng miền khác nhau được thể hiện bởi những con người khác nhau.
Tiểu Vy và Lâm Thanh Nhã đại diện cho một thế hệ trẻ, đẹp và hiện đại. Khi chụp, hai bạn không hề đơ, trái lại có 'chemistry' (phản ứng cảm xúc) rất tốt.
Trong khung cảnh nắng chiều rất đẹp gần nhà, tôi bảo diễn, hai bạn nhìn nhau, dường như trong một khoảnh khắc đã rung động trước vẻ đẹp của đối phương nên đổi hướng nhìn. Kết quả, dù nhìn hướng khác, biểu cảm và ánh mắt của họ rất có hồn. Tôi cảm nhận rõ 100% cảm xúc giữa cả hai.
Tôi làm đến cuốn thứ 6 rồi, không định đưa người nổi tiếng vào để tăng độ lan tỏa hay bán sách tốt hơn. Bức ảnh có mặt trong cuốn sách vì nó quá đẹp.
Riêng Nhã và Vy, tôi còn cảm nhận hai bạn rất 'Sài Gòn'. Một Sài Gòn rất thiện và phồn hoa - nơi người ta đến để vui, để 'quẩy' chứ không để cô đơn hay suy nghĩ nhiều về quá khứ.
Tôi rất kén, không phải ai cũng nhận chụp. Showbiz có quá nhiều người đẹp, tôi thường nhìn vào mắt họ. Người ta nghĩ Tăng Thanh Hà, Tiểu Vy nhạt nhưng chưa chắc. Biết đâu, họ cố tình tạo vỏ bọc để an toàn? Còn có những người đóng vai dễ thương, vai rụt rè...
Đôi khi, mỗi người nổi tiếng thường được gắn rất nhiều cái mác do định kiến xã hội. Tôi cảm nhận một người qua cảm xúc ẩn trong đôi mắt - thứ không thể che giấu. Một người nhiều tâm sự không cách nào chụp thành người vô tư và ngược lại.
Bức ảnh không biết nói dối và tôi tự tin không bao giờ casting sai người.
Rất nhiều hoa hậu 'cố gắng đẹp, tỏ ra đẹp'
- Bốn mùa là chủ đề phổ biến, gieo nguồn cảm hứng cho bao thế hệ sáng tác nghệ thuật nhưng cũng có một nhóm người trong giới của anh cho là sến, cũ kỹ, anh nghĩ sao?
Làm nghệ thuật không tránh khỏi những ý kiến như vậy. Nhiều năm trước, tôi còn trẻ có thể bận tâm nhưng giờ thì không.
Thật ra, con người tôi đơn giản thôi, không phải kiểu hàn lâm hay bác học gì cả. Tôi đi dọc Việt Nam chụp phong cảnh với rung động thật từ tận tim mình. Dù có tranh cãi hay không, tình cảm tôi đặt vào vẫn là thật. Đề tài chỉ là một phần, tôi tin khi người ta cầm sách ảnh trên tay sẽ cảm nhận được tình cảm mình đặt để bên trong.
Tôi biết cảnh sắc Việt Nam đẹp từ lâu rồi nhưng không nghĩ đẹp đến vậy. Để thể hiện vẻ đẹp đó lên ảnh không dễ.
Khi tổ chức triển lãm, tôi đã cân nhắc nhiều hình thức trình bày. Cuối cùng, tôi chọn in ảnh lên vải voan - một loại vải trong suốt. Với công nghệ in hiện đại, tấm ảnh lên mặt vải rất sắc nét. Mặt khác, nhờ đặc tính trong suốt, bạn có thể nhìn thấy người đứng phía sau tấm vải, như ẩn hiện giữa phong cảnh đó vậy.
Không gian triển lãm nên thơ. Ảnh: NVCC
Nói rộng hơn, phong cảnh, con người hay nghệ thuật châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng cũng mang vẻ đẹp ẩn. Trái ngược phương Tây đẹp căng tràn và lồ lộ, cái đẹp phương Đông phải nhìn hồi lâu mới thấy.
- Hàng chục cuộc thi nhan sắc, vô số cô gái mang danh hoa hậu, á hậu dần hình thành trong tâm thức người Việt về tiêu chuẩn 'đẹp như hoa hậu', phương Tây gọi là 'đẹp thương mại'. Liệu có lệch lạc khi cứ phải 'đẹp như hoa hậu', còn kiểu đẹp khác thì không?
Vẻ đẹp được định nghĩa bởi con người nên sẽ có một vài kiểu đẹp phù hợp với số đông. Là người làm nghệ thuật, tôi không chia 'đẹp kiểu người mẫu' hay 'đẹp kiểu hoa hậu' mà thích những vẻ đẹp thật, đẹp sẵn như Tiểu Vy hay Thùy Tiên, nhìn phát thấy đẹp ngay.
Không phải hoa hậu nào cũng đẹp, rất nhiều cô cố gắng đẹp, cố tỏ ra đẹp, đắp cái này nối cái kia lên để trở thành hoa hậu. Tôi không thích và cũng chưa từng chụp họ vì không đủ cảm xúc.
'Đẹp thương mại' không có gì xấu cả, tùy vào nhu cầu thôi. Dù vậy, tôi thừa nhận truyền thông có dắt mũi đại chúng về quan điểm cái đẹp.
Không có kiểu hình thể hay khuôn mặt nào là đẹp tuyệt đối cả. Có những cô mẫu gầy trơ xương nhưng đứng trước ống kính đẹp bá cháy.
Có người đẹp nhờ quá trình trưởng thành, cảm nhận cuộc sống hay sức hút thiên bẩm. Có người mẫu ngoại cỡ (big size) tự tin từ bên trong sẽ rất đáng yêu.
Cuối cùng, như mấy năm trước từng nói với bạn, tôi vẫn nghĩ cái đẹp bên trong là cái đẹp vững chắc vì không thể làm giả.
Dzũng Yoko bên cuốn artbook thứ 6.
Tôi nhắn Mỹ Tâm, Tăng Thanh Hà đừng đến triển lãm
- Có mối quan hệ rộng và sâu cả trong lẫn ngoài nghề, anh vẫn thường chia sẻ về sự cô đơn, vì sao vậy?
Người nghệ sĩ thường cô đơn vì quá nhạy cảm. Lúc làm triển lãm sách ảnh, tôi rất băn khoăn việc mời các nghệ sĩ nổi tiếng. Nếu mời, họ có thể nghĩ 'mời với mục đích gì', 'có yếu tố thương mại không'... nhưng không mời lại trách.
Tôi bỏ grand opening (khai trương) để không phải phát biểu trước đám đông. Tôi nhắn các bạn địa điểm, thời gian mở cửa, ai rảnh thì đến chung vui, không thì thôi không sao cả.
Tính tôi hay ngại từ bé đến lớn rồi. Tôi sợ khi chụp hình cùng người nổi tiếng sẽ bị nghĩ: 'Ông này đang làm thân với mình', 'Có PR hay mục đích gì không'... - đi ngược lại tinh thần nghệ thuật muốn truyền tải. Tôi cũng không muốn họ hiểu lầm nếu không đến sẽ bị tôi 'ghim', giận.
Tôi làm nghề rất chân thành nên sợ bị hiểu lầm. Tôi đã nhắn Mỹ Tâm, Tăng Thanh Hà đừng đến, cứ chung vui từ xa là được vì sợ không tiếp đãi họ đàng hoàng, lỡ có gì chuyện gì sẽ không hay.
Trong nghề, tôi không sống ẩn dật, cũng không bề nổi. Tôi rất không vui nếu bị nghĩ nhờ cậy ai đó đưa mình đi lên. Khi làm việc, ai hợp thì làm. Nếu tôi làm với ai đó vì sự nổi tiếng để tạo độ hot sẽ không công bằng với những người khác tham gia dự án.