Nhiều năm về trước, Blizzard đã khởi đầu cho trào lưu nâng giá game bom tấn từ 49,99 USD lên 59,99 USD. Khi đó, mức giá này được các game thủ gật gù tin tưởng vào chất lượng của một sản phẩm AAA đích thực và cam kết cập nhật sản phẩm dài lâu từ nhà phát triển.
Cuối năm nay, PlayStation 5 và Xbox Series X sẽ khởi đầu một kỷ nguyên mới của máy chơi game thế hệ tiếp theo (next-gen console). Giá bán của các game trên hệ máy này cũng mau chóng được nâng từ 59,99 USD lên 69,99 USD (khoảng 1,6 triệu đồng).
Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm, giá bán một game bom tấn đã tăng từ 49,99 USD lên 69,99 USD, tương đương 40%. Con số khiến ngay cả những game thủ hardcore nhất cũng phải đắn đo, liệu có nên ‘thắt lưng buộc bụng’ để mua ngay một game bom tấn khi nó vừa phát hành hay không? Và đây là những lý do để bạn nói không!
Game ngày nay không còn là game mới hoàn toàn
Thật vậy, nếu như cả chục năm về trước, game là một sản phẩm đã hoàn thiện đến mức nhà phát triển mất tới vài năm để ra một phiên bản mới thì nay câu chuyện đã khác hoàn toàn.
Chính sách phát triển đều đặn mỗi năm một phiên bản hay còn gọi là ‘vắt sữa’ đã khiến các video game ngày càng tệ. Thậm chí, thay vì nghĩ ra sản phẩm mới, các nhà phát triển lại đi làm mới các game cũ, gọi một cách nâng tầm là remake hoặc remastered.
Với các game đầu tư mục chơi mạng (multiplayer), nhà phát hành dường như quên mất việc đầu tư hệ thống server một cách đồng bộ. Kết quả là bom tấn trở thành những nỗi thất vọng lớn khi thường gặp lỗi mất kết nối, lag mạng.
Tất nhiên, không phải mọi game đều là ‘bình mới rượu cũ’. Vì thế, game thủ phải thật thông thái trong cách lựa chọn và tìm hiểu kỹ trước khi có ý định xuống tiền.
1,6 triệu đồng cho một trò chơi chưa phải là tất cả
Vài năm về trước, các nhà phát hành phương Tây bắt đầu hợp tác với đối tác Trung Quốc để mở rộng thương hiệu của mình. Cũng kể từ đây, các ông lớn phương Tây bắt đầu học lỏm được mô hình kinh doanh ‘hút máu’ cực kỳ hiệu quả mà vẫn đảm bảo thu hút người dùng, đó là bán vật phẩm ảo in-game (microtransaction).
Mô hình bán game nhưng vẫn bán các gói vật phẩm, skin các loại đã thể hiện tính ưu việt khi kích thích sự cạnh tranh của người chơi. Kể từ đó lần lượt những Take-Two, Activision, EA, Ubisoft đều tìm cách bắt chước, cải tiến. Đỉnh cao của mô hình bán vật phẩm ảo này chính là sự ra đời của tính năng mở hộp quà may mắn (loot box), được các nhà hành pháp phương Tây đang xem xét và cân nhắc coi nó như một hình thức cờ bạc đỏ đen.
Một loot box thường chứa quà ngẫu nhiên khi mở ra. |
Có thể nói, mô hình bán vật phẩm ảo ở các game AAA ngày nay đã thay thế hoàn hảo cho mô hình bán gói nội dung mở rộng (DLC) xưa như Trái đất. Nhà phát triển không còn phải nhọc công nghĩ ra update mới cho trò chơi, mà thay vào đó chỉ cần bán hộp lootbox chứa một vài vật phẩm ảo với 7 màu ngẫu nhiên là đủ kiếm bộn tiền.
Chạy theo game bom tấn và giá sẽ không ngừng tăng
Nhà phát triển có thể đưa ra những lý do nghe có vẻ rất hợp lý cho việc tăng giá như sự trượt giá của đồng tiền, phí bản quyền cho hệ máy mới đắt hơn, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Tuy vậy, thực tế là các nhà phát hành vẫn đang và sẽ kiếm bộn từ mức giá trên trời này cùng vô số hình thức ‘hút máu’ núp bóng khác. Những con số đủ để chứng minh các nhà phát hành vẫn đang sống khỏe bất kể giá game là 49,99 hay 59,99 USD.
Báo cáo tài chính năm tài khóa 2019-2020 của Take-Two cho thấy công ty kiếm được khoản doanh thu 2,3 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Với Activision Blizzard hay Electronic Arts, CEO của hai hãng này còn nằm trong nhóm 100 người được trả lương cao nhất nước Mỹ trong khi hàng năm vẫn tìm cách cắt giảm chi phí vận hành bằng cách sa thải 10-25% tổng nhân sự.
Bởi vậy, cắn răng mua game bom tấn giá đắt đỏ không phải là một lựa chọn khôn ngoan.
Nguyễn Phương
Startup dạy chơi game gọi vốn thành công 11,25 triệu USD
Nền tảng Mobalytics hỗ trợ game thủ từ ‘gà’ thành ‘pro’ đã nhận được tổng cộng 11,25 triệu USD ở vòng gọi vốn Series A.