Những số liệu kê khai
Tuần trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
Chính phủ thông tin, trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập (TSTN) lần đầu; 545.535 người đã kê khai TSTN hằng năm; 44.015 người đã kê khai TSTN bổ sung; 161.928 người kê khai TSTN phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai TSTN.
Kết quả xác minh TSTN năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Nhận định trên đã chỉ một thực tế mà các số liệu trên đã chỉ ra phần nào, việc kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn chưa được kiểm soát đầy đủ.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2019. Luật này nhận được nhiều sự quan tâm và kỳ vọng của dư luận, được coi là bước ngoặt trong phòng chống tham nhũng bởi có nhiều điểm mới, đáng chú ý.
Chẳng hạn Luật đã mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; hay đã quy định chi tiết ngoài việc kê khai các loại tài sản, thu nhập như quy định trước đây, như: nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Luật yêu cầu các đối tượng nêu trên còn phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng. Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai, biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm phải kê khai bổ sung.
Việc kê khai phải rất chi tiết, cụ thể nhưng việc xác minh các bản kê khai đó cũng rất quan trọng. Việc bốc thăm cán bộ ở các cơ quan nhà nước để được xác minh kê khai tài sản là một trong những điểm mà dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Đến những góc khuất của kê khai
Nhận định của Uỷ Ban Tư pháp cùa Quốc hội như nêu trên là có cơ sở thực tế.
Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề nghị Ban chấp hành Trung ương kỷ luật ông Lê Đức Thọ là ví dụ điển hình về vệc kê khai tài sản không trung thực. Ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.
Kiến nghị nêu rõ: Vi phạm của ông Lê Đức Thọ mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, mất uy tín cá nhân.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thống nhất đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Lê Đức Thọ.
Trong thực tế còn nhiều trường hợp không trung thực như thế. Có một dạo rộ lên một quan chức trong ngành thanh tra khi tại chức thì bình thường nhưng lúc “hạ cánh” mới xây biệt phủ và qua đó biết được khối tài sản không nhỏ của ông. Điều buồn cười chính là có khối bất động sản lại được cho là của chị em kết nghĩa cho.
Nhiều trường hợp khi cơ quan bảo vệ pháp luật bắt giam các vị cựu cán bộ thì nhân dân mới được tận mắt chứng kiến những biệt thự xa hoa, những dàn xe đắt tiền như vụ một lãnh đạo của thành phố Hạ Long hay một vài quan chức khác.
Một quan chức, nếu công tác kê khai tài sản chặt chẽ có thể kiểm soát tốt tài sản biến động trong nhiệm kỳ, biết khối tài sản “khổng lồ” đó từ đâu tới. Có một thực tế chỉ một, hoặc hai nhiệm kỳ một quan chức từ một người bình thường đã trở thành giàu có, nhà cửa, tài sản khác tăng lên chóng mặt. Vậy những khối tài sản đó có từ đâu? Dư luận có thời đặt câu hỏi hài hước: chẳng cần học hỏi cách làm giàu đâu xa, chỉ cần đến học hỏi những cán bộ đó.
Luật chống tham những rất chặt chẽ, biến động tài sản lên đến 50 triệu đồng phải kê khai, giữa hai kỳ kê khai biến động 300 triệu đồng cũng phải kê khai. Nếu thế thì các căn biệt thự lên tới hàng chục tỷ đồng kia chắc chắn sẽ rõ nguồn gốc.
Kê khai tài sản mở rộng cũng có điểm mạnh của nó song lại “cào bằng” với những quan chức có điều kiện để tham nhũng. Ai cũng biết tham nhũng là phải những người có chức, có quyền, giữ những vị trí béo bở, xin-cho. Vô hình trung kê khai nhiều, kiểm tra theo kiểu bốc thăm làm loãng, hay cào bằng với những người ở những vị trí khác.
Làm giàu là chính đáng khi Đảng đã có quy định đảng viên được làm kinh tế tư nhân, nhưng làm giàu trên cái ghế thì không ai chấp nhận được.
Cuộc sống diễn ra phong phú, nhiều thực tiễn vượt trước lí luận âu cũng là chuyện thường tình.
Vấn đề là nắm bắt, phát hiện, tổng kết kịp thời để sớm có cách giải quyết, đưa ra những giải pháp phù mới phù hợp với thực tiễn.
Nguyễn Đăng Tấn