Hệ thống GPS do Không quân Mỹ phát triển từ những năm 1970 để phục vụ các mục đích quân sự và sau đó được mở rộng cho cả mục đích dân sự từ thập niên 1980, vận hành nhờ một mạng lưới vệ tinh nhân tạo bao quanh Trái đất. Các tín hiệu định vị của hệ thống này đã trở thành nền tảng cho nhiều khía cạnh của các cuộc xung đột hiện đại, từ điều hướng máy bay do thám không người lái đến nhắm bắn tên lửa và kích hoạt sóng vô tuyến di động.
Truyền thông Nga từng nhắc đến tầm quan trọng của GPS như một công cụ quân sự hồi tháng 11 năm ngoái, khi Moscow bắt đầu tập trung binh lính dọc biên giới với Ukraine. Sau khi Nga chứng minh nước này có thể phá hủy một vệ tinh trong không gian, một nhà bình luận trên truyền hình, người được biết đến như phát ngôn viên không chính thức của Tổng thống Vladimir Putin, tuyên bố Moscow có khả năng "bịt mắt NATO" bằng cách bắn hạ tất cả các vệ tinh GPS.
Mặc dù vậy, sự can thiệp của Nga vào GPS ở Ukraine gần như không quá mạnh mẽ như nhiều nhà quan sát tiên lượng. Dựa vào tình hình thực tế và các nguồn tin công khai, các chuyên gia nhận định điều đó có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như dưới đây:
Khả năng tác chiến điện tử của Nga không tốt như kỳ vọng
Các lực lượng Nga lâu nay vẫn nổi tiếng là đáng gờm trong tác chiến điện tử (EW) và họ đã cố gắng củng cố điều này. Có thời điểm, hãng thông tấn quốc gia Sputnik đưa tin, quân đội Nga có thể dùng khả năng EW để “khiến các tàu sân bay trở nên vô dụng”.
Theo trang Defense News, quan điểm phổ biến lâu nay là, Nga đã phát triển và duy trì khả năng EW để đối phó với công nghệ vượt trội của các lực lượng phương Tây. Chiến tranh điện tử có thể là một cách không tốn kém để lấy lại thế cân bằng trong cuộc chơi.
Một số báo cáo cho thấy, các lực lượng Nga thường xuyên gây nhiễu tín hiệu GPS ở miền bắc Na Uy từ các địa điểm rất xa bên kia biên giới. Và trong một số trường hợp, hoạt động gây nhiễu chính xác đến mức các tín hiệu trong dải tần gần đó từ hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga không bị ảnh hưởng.
Nga còn chứng minh có khả năng giả mạo GPS trên các khu vực rộng lớn. Những người dùng ở trung tâm thủ đô Moscow đôi khi phát hiện thiết bị của họ báo sai sự thật rằng họ đang ở sân bay. Điều tương tự cũng xảy ra ở nhiều khu vực duyên hải, Biển Đen và các địa điểm khác.
Tuy nhiên, do các lực lượng Nga có màn thể hiện không mấy ấn tượng như kỳ vọng trong cuộc xung đột ở Ukraine nên một số người tin, khả năng gây nhiễu GPS của họ cũng kém hơn tưởng tượng. Một minh chứng cho điều này là tổn thất quân Nga phải hứng chịu tại thành phố Kherson, miền nam Ukraine, nơi các lực lượng Kiev đang phản kích bằng cách sử dụng hệ thống phóng tên lửa đa nòng do Mỹ cung cấp, dựa vào GPS để nhắm bắn mục tiêu.
Quân Nga cũng cần và sử dụng GPS
Những người ủng hộ quan điểm này chỉ ra rằng, các máy bay chiến đấu của Nga bị bắn rơi được phát hiện có gắn bộ phận thu GPS trên bảng điều khiển của chúng.
Tín hiệu từ hệ thống GLONASS của Nga và hệ thống định vị điện tử Chayka trên mặt đất đều có sẵn để sử dụng ở Ukraine. Song, có vẻ không phải mọi lực lượng Moscow tham gia chiến dịch quân sự ở nước láng giềng đều được trang bị đủ thiết bị thu tương thích với các hệ thống định vị nói trên. Là hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu đầu tiên trên thế giới nên các thiết bị thu GPS vừa phong phú vừa rẻ tiền, mang tới một giải pháp tạm thời cho các đơn vị Nga.
Ngoài ra, tín hiệu GPS hỗ trợ nhiều loại cơ sở hạ tầng như viễn thông, internet, lưới điện và các hệ thống điều khiển máy móc. Các lực lượng Nga có thể muốn bảo vệ cơ sở hạ tầng của Ukraine vì những lợi ích và việc sử dụng của chính họ. Đối với Moscow, các cuộc tấn công sâu rộng vào hệ thống tín hiệu GPS có thể gây ra những vấn đề về cơ sở hạ tầng nghiêm trọng hơn bất kỳ lợi ích chiến thuật tạm thời nào thu được.
Các máy làm nhiễu GPS công suất cao, liên tục rất dễ bị tấn công
Bất kỳ đường truyền tần số vô tuyến mạnh và liên tục nào cũng có thể dễ dàng bị phát hiện vị trí và trở thành mục tiêu tập kích. Nhiều quân đội có tên lửa được thiết kế đặc biệt, chuyên để tìm diệt các thiết bị gây nhiễu này.
Ngay cả khi không có các vũ khí như vậy, công nghệ tìm hướng có thể định vị chính xác nơi đặt một máy phát sóng để nhắm bắn bằng pháo binh hoặc không kích. Các chỉ huy quân đội Nga có thể đang hạn chế sức mạnh của các thiết bị gây nhiễu GPS nhằm tránh thu hút hỏa lực của đối phương.
Ukraine ít bị ảnh hưởng hơn
Mặc dù Ukraine ngày càng tiếp nhận và sử dụng nhiều khí tài dùng GPS do phương Tây phát triển hơn, nhưng nước này cũng đang nắm trong tay lượng vũ khí khổng lồ từ thời Liên Xô. Những vũ khí như vậy không dựa vào GPS và nhiều khả năng không chịu ảnh hưởng của các dạng chiến tranh điện tử.
Ngoài ra, các lực lượng Kiev dường như ít phụ thuộc hơn vào những hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thông tin liên lạc tinh vi đang được quân đội của các nước lớn hơn sử dụng. Do đó, việc gây nhiễu GPS, vốn có thể cản trở các hoạt động bình thường của Mỹ và NATO, nhiều khả năng ít gây ảnh hưởng hơn ở Ukraine.
Nga muốn tránh để lộ công nghệ "át chủ bài" trước Mỹ và NATO
Dù chiến sự đang diễn ra ở Ukraine, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, kẻ thù khiến Moscow thực sự quan ngại là Mỹ và NATO. Theo tạp chí The Economist, một cuộc tấn công toàn diện vào GPS có thể được hiểu là một cuộc tấn công vào Mỹ và do đó có nguy cơ lôi kéo NATO tham gia trực tiếp vào xung đột, nguy cơ các bên hiện đều muốn tránh.
Hơn nữa, việc triển khai các vũ khí tác chiến điện tử tinh vi và mạnh nhất của Nga ở Ukraine sẽ cho phép các đối thủ nghiên cứu công nghệ và chiến thuật. Điều này sẽ dẫn đến việc phát triển các biện pháp đối phó và làm cho vũ khí kém hiệu quả hơn trong các cuộc xung đột trong tương lai. Vì vậy, Nga có thể chưa tung ra các công cụ và thủ thuật tốt nhất để gây nhiễu GPS tại quốc gia Đông Âu, nhằm bảo vệ chúng như "át chủ bài" chống các lực lượng lớn hơn và các mục tiêu quan trọng hơn sau này.
Tuấn Anh