Nữ ca sĩ Goo Hara tự sát vì trầm cảm. |
Dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy người Hàn Quốc có mức độ hài lòng với cuộc sống thấp nhất trong số 38 quốc gia thành viên.
Nhiều người nói rằng họ không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu khi trải qua cảm xúc tồi tệ.
Trong khi đó, số người cao tuổi ở một mình, trẻ em bị lạm dụng cũng tăng lên đáng kể.
Theo báo cáo do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 20/2, sự thỏa mãn về cuộc sống của người dân xứ kim chi năm 2021 là 6,3/10 điểm, nhỉnh 0,3 điểm so với năm trước.
Trong đó, những người thuộc nhóm thu nhập thấp kiếm được dưới 1 triệu won (772 USD)/tháng là 5,5 điểm, thấp hơn 0,8 điểm so với mức trung bình.
Xếp hạng của Hàn Quốc gần như đứng chót trong bảng thống kê với các quốc gia khác.
Theo báo cáo "Hạnh phúc thế giới" năm 2022 do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững thực hiện, điểm hạnh phúc của Hàn Quốc - mức độ mãn nguyện về cuộc sống nói chung - trung bình là 5,9 điểm từ năm 2019 đến năm 2021.
Con số này kém hơn đáng kể khi so sánh với tiêu chuẩn của OECD là 6,7 điểm.
Những nước xếp sau Hàn Quốc là Thổ Nhĩ Kỳ (4,7 điểm) và Colombia (5,8 điểm).
Áp lực trong cuộc sống khiến không ít người trẻ nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình. Ảnh: The Korea Herald. |
Tình trạng người dân tự tìm đến cái chết và sự thỏa mãn với đời sống cá nhân ở xứ sở kim chi cũng đang trở nên tồi tệ hơn.
Theo Hankyoreh, tình trạng cô đơn lâu ngày là một trong những lý do dẫn đến ý định kết thúc mạng sống.
Song Min-kee, nhà nghiên cứu tại Viện Tài chính Hàn Quốc, cho hay các vụ tự tử có xu hướng gia tăng khi nền kinh tế hoạt động kém, mặc dù thời điểm có thể không trùng khớp chính xác.
Những lo ngại về suy thoái gia tăng trong năm nay cộng với lãi suất phi mã để kiềm chế lạm phát đã khiến khả năng tài chính của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp bấp bênh hơn bao giờ hết.
Một số chuyên gia cho biết các nguyên nhân khác dẫn đến tỷ lệ tự tử cao ở Hàn Quốc bao gồm áp lực ở trường học và công việc, tính cạnh tranh khốc liệt trong xã hội, xấu hổ khi tìm kiếm sự giúp đỡ điều trị chứng trầm cảm và thiếu bảo trợ xã hội cho người già.
Theo Kwon Jun-soo, giáo sư tâm thần học tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), hầu hết người dân ở quốc gia này nghĩ rằng mình không hạnh phúc. Dù giàu hay nghèo, họ đều cảm thấy bất mãn với địa vị của mình.
Năm 2021, tỷ lệ tự sát nằm ở mức trên 100.000 người. Con số này đặc biệt tăng với nhóm tuổi 20-23,5 từ năm 2020 đến năm 2021.
Đáng chú ý, trong khi 47,9% thanh thiếu niên hài lòng với cuộc sống an nhàn, con số này ở những người từ 60 tuổi trở lên chỉ ở mức 18,8%.
Thống kê cũng chỉ ra rằng do thời gian phong tỏa lâu trong đại dịch, các vụ xâm hại trẻ em cũng tăng mạnh.
Tính đến năm 2021, tỷ lệ các vụ lạm dụng trẻ em và thanh thiếu niên từ 0-17 tuổi được ghi nhận ở mức cao chưa từng có là 502,2/100.000.
Tình trạng cô đơn kéo dài cũng là lý do dẫn đến hành vi tự sát. Ảnh: DW. |
Báo cáo cũng nhận xét nước này vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.
Chỉ số niềm tin cá nhân tăng nhẹ lên 59,3% vào năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn trước năm 2019 là 66,2%.
Nguyên nhân của điều này là do lệnh hạn chế đối với các hoạt động ngoài trời, sự tin cậy giữa các cá nhân đã giảm sút trong thời kỳ này.
Ngoài số vụ tự kết liễu mạng sống, Hàn Quốc cũng phá vỡ kỷ lục của chính mình về mức sinh thấp nhất thế giới vào năm 2022.
Các nhà hoạch định chính sách đang chật vật để giải quyết vấn đề này nhưng không mang lại hiệu quả cao. Điều này thể hiện tương lai u ám ẩn sâu bên dưới một trong 4 “con rồng châu Á”.
Theo Zing