Sau hai năm đại dịch, ngành du lịch đang dần hồi phục. Khách du lịch nước ngoài được cho là nguồn thu quan trọng ở nhiều quốc gia. Nhưng mỗi tuần, trên các phương tiện truyền thông địa phương lại đưa không ít tin về những vi phạm của du khách nước ngoài với tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải hệ quả tất yếu sau khi thế giới mở cửa trở lại và con người đã bị kìm hãm quá lâu?
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO), trước khi đại dịch bùng phát, thế giới chứng kiến hàng tỷ lượt khách du lịch quốc tế mỗi năm. Trong khi, quay lại những năm 1970, thời điểm dịch vụ hàng không giá rẻ bùng nổ, con số này mới chỉ dừng lại ở ngưỡng 166 triệu.
Từ đó tới nay, vai trò của du lịch trong nền kinh tế toàn cầu cũng ngày càng trở nên quan trọng. Theo UNWTO, Pháp là quốc gia được du khách nước ngoài ghé thăm nhiều nhất thế giới, tiếp theo là Tây Ban Nha, Mỹ và Ý. Tuy nhiên, một số điểm đến đã và đang trở thành nạn nhân cho sự nổi tiếng này.
Giáo sư Phaedra C. Pezzullo, chuyên gia du lịch và là tác giả của cuốn sách "Du lịch độc hại" khẳng định rằng đây không phải một vấn đề gì quá mới mẻ.
Pezzullo nói: “Chừng nào con người còn đi du lịch, các nền văn hóa còn xung đột thì mọi chuyện còn tiếp diễn. Tôi chỉ không dám chắc những hành vi có ngày càng tệ đi hay không?".
Theo chuyên gia du lịch, Tiến sĩ Peter E. Tarlow, một số du khách thường có khuynh hướng hành xử khác khi đặt chân tới một nơi mới vì sự phấn khích và cho rằng không ai biết mình.
Hàng loạt vi phạm
Tháng 5 vừa qua, các máy quay an ninh ở Rome đã ghi lại được cảnh một du khách Ả Rập Xê Út đã phóng thẳng ô tô xuống khu vực Bậc thang Tây Ban Nha, khiến di tích lịch sử có từ thế kỷ 18 này bị hư hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngay sau đó, một nữ du khách Mỹ cũng đã ném chiếc xe scooter điện xuống bậc thang nổi tiếng dẫn từ quảng trường Pizza di Spagna lên nhà thờ Trinita dei Monti này.
Hay vào tháng 8/2019, 2 vlogger YouTube người Cộng hòa Séc là Sabina Dolezalova và Zdenek Slouka, đã đưa ra lời xin lỗi công khai sau khi vấp phải phản ứng dữ dội khi Slouka quay clip đang vén váy bạn gái và tạt nước vào người cô ngay tại đền Beji trong khu Rừng khỉ thiêng ở Ubud, Bali.
Vụ bê bối trên xảy ra chỉ vài tuần sau khi một đoạn clip về năm người đàn ông Australia khỏa thân chạy trên các đường phố của hòn đảo nổi tiếng ở Indonesia và đi tiểu ở nơi công cộng được lan truyền.
Hay mới đây, hai du khách Hà Lan đã bị phạt 1.000 euro (hơn 24 triệu đồng) vì nhảy vào đài phun nước Trevi - một công trình cổ nổi tiếng ở Rome, Ý, được xây từ thế kỷ 18.
Phản ứng dữ dội từ người dẫn địa phương
Tình trạng du lịch quá mức ở những thành phố nổi tiếng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường ngày của người dân địa phương.
Mỗi năm, khoảng 1.000 người dân địa phương rời Venice, do chi phí sinh hoạt tăng lên vì quá đông khách du lịch.
Hay vào năm 2017, 150.000 người đã tuần hành phản đối lượng khách du lịch đổ về Barcelona ngày càng tăng và sự phổ biến của AirBnB, điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở trong thành phố.
Và những hành vi quá khích của du khách nước ngoài thật sự còn như "thêm dầu vào lửa". Nhiều chuyên gia cho rằng người dân địa phương nên có tiếng nói hơn trong cách quản lý du lịch ở các điểm đến khác nhau vì họ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thiết lập quy định
Du lịch quá mức được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng ồn ào tăng vọt ở các điểm đến nổi tiếng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đang tỏ ra ngày càng mạnh tay hơn trong việc áp dụng luật để kiểm soát số lượng du khách và các hành vi vi phạm của họ.
Ngay từ năm 2018, thủ đô của Ý đã ban hành luật cấm uống rượu trên đường phố. Các quan chức ở Rome không chỉ phạt người ngồi trên Bậc thang Tây Ban Nha, mà những hành vi khác có thể khiến du khách gặp rắc rối ở Ý, bao gồm để ngực trần, nhảy xuống đài phun nước và ăn uống bừa bãi bên các tượng đài.
Trong khi đó, Venice sẽ áp dụng thuế du lịch vào năm 2023 để kiểm soát tình trạng du lịch quá mức đang diễn ra ngày càng trầm trọng hiện nay. Thành phố đã sử dụng hệ thống kiểm soát an ninh và cho triển khai lực lượng tuần tra thường xuyên trên đường phố để kiểm soát phần nào những hành vi ngỗ ngược của khách du lịch. Bên cạnh đó, từ năm 2021, Venice cũng đã cấm các tàu lớn đến khu đầm phá trung tâm.
Bờ biển Amalfi ở Ý cũng hạn chế khách du lịch ra vào trên con đường quanh co nổi tiếng do tình trạng tắc nghẽn giao thông kéo dài. Theo quy định mới, các phương tiện mang biển số lẻ có thể chạy dọc bờ biển vào ngày lẻ và biển số chẵn vào ngày chẵn trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Du khách được khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng để tránh tắc đường và lệnh cấm không áp dụng cho người dân địa phương.
Amsterdam hiện cũng đang là một trong những thành phố đánh thuế du lịch cao nhất châu Âu với hy vọng hạn chế được tình trạng du lịch quá mức.
Ở Playa de Palma của Tây Ban Nha, những du khách say xỉn gây thiệt hại về tài sản hay để xảy ra ẩu đả sẽ bị xử lý theo luật định. Trong khi đó, Balearics đã ban hành luật mới hạn chế số lượng đồ uống tại các khu nghỉ dưỡng, các quán bar và nhà hàng buộc phải từ chối không cho những người mặc đồ bơi và quần áo hở hang vào cửa. Bộ trưởng Du lịch Tây Ban Nha, Fernando Valdes, đã cam kết rằng những khách du lịch có hành vi không đẹp sẽ không được chào đón ở Tây Ban Nha.
Tương tự vậy, New Zealand, hiện cũng khuyến khích du khách thực hiện tốt các quy định trong "Lời hứa Tiaki" về quy tắc ứng xử và sẽ xử phạt nghiêm với những trường hợp như lái xe bất cẩn, các hoạt động cắm trại gây hại và thiếu hiểu biết về an toàn khi ở ngoài trời.
Hay như Bali, một trong những điểm đến nổi tiếng hàng đầu châu Á, tuyên bố sẽ trục xuất hoàn toàn những du khách coi thường văn hóa và phong tục địa phương. Ngoài ra, du khách cũng sẽ bị phạt tiền nếu có các hành vi nhưng vẽ bậy, leo tròe, tạo dáng chụp ảnh khiêu gợi ở những nơi linh thiêng.
Đỗ An (Tổng hợp)