Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an), trong 2 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết và các lễ hội đầu năm, CSGT cả nước đã xử lý hơn 80.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt 400 tỷ đồng.
Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày lực lượng CSGT cả nước xử lý hơn 1.100 tài xế vi phạm. Một số địa phương có kết quả xử lý cao gồm: TP.HCM 1.631 trường hợp, Gia Lai 1.387 trường hợp, Thanh Hóa 1.211 trường hợp, Hà Nội 910 trường hợp…
Trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn do người vi phạm né tránh việc kiểm tra. Thậm chí, lăng mạ, chống đối CSGT hoặc nhờ “người thân” can thiệp xin bỏ qua vi phạm.
Điển hình như tối 18/12/2022, nam tài xế N.Đ.H. điều khiển ô tô mang biển số 30K bị Tổ công tác Y1/141 (Công an TP Hà Nội) phát hiện vi phạm nồng độ cồn ở mức “kịch khung”. Thay vì chấp hành, tài xế H. mạo danh cán bộ, tự xưng đang công tác ở cơ quan cấp Bộ để xin bỏ qua vi phạm. Không xin được, nam tài xế còn xô đẩy, chống đối lực lượng chức năng.
Trong tối 19/12/2022, Tổ công tác liên ngành Y9/141 phát hiện nam tài xế V.P.A. vi phạm nồng độ cồn cao gấp 3 lần mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP. Người này tự xưng là đội phó cơ động để xin bỏ qua vi phạm và “hù dọa” lực lượng CSGT. Tuy nhiên, người đàn ông này vẫn bị tổ công tác lập biên bản xử phạt.
Gần đây nhất, tối 24/1 (mùng 3 Tết), ông N.Đ.N. (SN 1963, trú tại Hà Nội) đã lớn tiếng chửi bới Tổ công tác Y2/141 khi xin bỏ qua vi phạm bất thành. Ông N. là người thân đi cùng tài xế vi phạm ở mức 0,393 mg/L khí thở. Đến ngày 27/1, ông N. đã bị Công an phường Quán Thánh (Ba Đình) triệu tập lên làm việc để làm rõ hành vi của mình.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn được Bộ Công an, Cục CSGT xác định là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.
“Để tránh tình trạng xử lý vi phạm theo kiểu đến hẹn lại lên, trong cả năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn. Nhất là tại các khu đô thị, tuyến phố có nhiều nhà hàng, khu công nghiệp, khu chế xuất nơi có nhiều công nhân… để đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, đại diện Cục CSGT khẳng định.
Vị đại diện Cục CSGT cho biết thêm, mỗi cán bộ, chiến sỹ khi đi làm nhiệm vụ đều được quán triệt tinh thần là kiên quyết xử lý nghiêm, không xin xỏ, không can thiệp vào quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn.
“Người vi phạm ngoài việc bị xử phạt còn bị lực lượng CSGT gửi thông báo về chính quyền địa phương, cơ quan chủ quản để xem xét xử lý và sau đó báo cáo kết quả lại cho lực lượng chức năng”, đại diện Cục CSGT cho biết.
Bên cạnh đó, Cục CSGT đã thành lập nhiều tổ công tác đến các địa phương trên cả nước để đôn đốc, giám sát công tác kiểm tra nồng độ cồn của công an các địa phương.
Vị đại diện Cục CSGT cũng bày tỏ mong muốn, ngoài việc tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của lực lượng chức năng, cần sự chung tay của người dân. Đơn cử, mỗi cá nhân có ý thức chấp hành và nhắc nhở người thân mình chấp hành sẽ tạo ra một gia đình văn hoá, nhiều gia đình văn hoá tạo nên xã hội văn minh.
“Vì tính mạng, sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, chúng tôi hy vọng mỗi cá nhân khi tham gia giao thông đều có ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn giao thông”, đại diện Cục CSGT nói.