Theo báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của DongA Bank, HĐQT có 6 thành viên gồm: ông Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT, tham gia HĐQT từ 9/2015 và được NHNN chỉ định làm Chủ tịch HĐQT năm 2022), ông Nguyễn Ngọc Tâm (bổ nhiệm năm 2022), ông Huỳnh Phương (bổ nhiệm năm 2019), ông Trần Văn Đình (bổ nhiệm năm 2010), ông Nguyễn Đình Trường (bổ nhiệm năm 2010), và ông Cao Sỹ Kiêm (bổ nhiệm năm 2012).
Đáng chú ý, ông Cao Sỹ Kiêm, cựu Chủ tịch HĐQT đã có đơn xin từ nhiệm từ tháng 8/2015 và đã được HĐQT DongA Bank đồng ý. Dù không còn tham gia HĐQT nhưng trên lý thuyết ông Kiêm vẫn đang là thành viên HĐQT của nhà băng này.
Ông Cao Sỹ Kiêm được bầu làm thành viên HĐQT DongA Bank từ tháng 3/2012, giữ chức Chủ tịch HĐQT DongA Bank từ tháng 4/2014. Tháng 7/2015, ông không còn giữ vai trò thành viên HĐQT. Tháng 8/2015, DongA Bank bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Lý giải về việc dù đã được HĐQT đồng ý đơn từ nhiệm nhưng ông Cao Sỹ Kiêm vẫn có tên trong HĐQT từ đó đến nay, DongA Bank cho biết, theo quy định của pháp luật, ông Cao Sỹ Kiêm vẫn phải chờ ĐHĐCĐ gần nhất thông qua đơn xin từ nhiệm. Trong khi đó, DongA Bank chưa thể tổ chức ĐHCĐ kể từ sau khi bị kiểm soát đặc biệt.
Người kế nhiệm ông Kiêm là ông Võ Minh Tuấn. Tuy nhiên ngày 1/8/2022, NHNN đã thôi chỉ định ông Tuấn giữ chức danh thành viên HĐQT, đồng thời chỉ định ông Nguyễn Thanh Tùng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Thời điểm ông Cao Sỹ Kiêm làm Chủ tịch HĐQT, ông Trần Phương Bình giữ vai trò Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DongA Bank.
DongA Bank từng là một thương hiệu lớn trên thị trường tài chính ngân hàng tại Việt Nam giai đoạn trước năm 2011, đặc biệt là mảng phát hành thẻ và kiều hối.
Tuy nhiên, ngân hàng này trượt dốc kể từ đó. Nếu như năm 2011, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 1.255 tỷ đồng (con số mơ ước của nhiều ngân hàng thời điểm đó), đạt gần 950 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kết quả kinh doanh của DongA Bank liên tục giảm, dù vẫn ghi nhận có lãi. Năm 2012, nhà băng lãi 577 tỷ đồng sau thuế. Con số này giảm còn hơn 300 tỷ vào 2013 và 27 tỷ đồng năm 2014, trong bối cảnh thu nhập lãi thuần giảm và nợ xấu tăng đột biến.
Năm 2011, nợ xấu của DongA Bank là 1,69%, năm 2012 tỷ lệ này lên đến 3,95%, năm 2013 là 3,99%,. Năm 2014, một năm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng không công bố tỷ lệ nợ xấu.
Được biết, nợ xấu của DongA Bank đến chủ yếu từ việc cho vay lĩnh vực bất động sản, trong đó có món nợ của Công ty bất động sản Phát Đạt.
Trong hai năm 2013 và 2014, cổ đông DongA Bank không được nhận cổ tức.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Kểm soát đặc biệt DAB, kể từ ngày 14/8/2015, toàn bộ cổ đông DongA Bank không được chuyển nhượng cổ phần của DongA Bank. Trường hợp đặc biệt NHNN sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của ban kiểm soát đặc biệt.
Trước thời điểm bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt, DongA Bank có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. 100% cổ đông trong nước, trong đó cổ đông pháp nhân chiếm tỷ lệ 40,68%, cổ đông cá nhân chiếm 59,32%.
Căn cứ vào danh sách cổ đông cập nhật vào ngày 31/12/2014, những cổ đông pháp nhân sở hữu tỷ lệ lớn bao gồm: CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 (ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “Nhôm” làm Chủ tịch HĐQT) nắm giữ 10% vốn điều lệ; CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ, công ty gia đình của ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung) nắm giữ 7,7% vốn điều lệ; Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm giữ 6,9%; Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm giữ 3,78%; CTCP Vốn An Bình nắm giữ 2,73%; và Công ty TNHH MTV XD và KD Nhà Phú Nhuận nắm giữ 2,14%.
Trong khi đó, cổ đông cá nhân nắm giữ cổ phần lớn nhất tại DongA Bank là Trần Phương Ngọc Hà (2,06%) và Trần Phương Ngọc Giao (2%) - hai người con của ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung.
Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm sinh năm 1941 tại Thái Bình, từng làm Giám đốc ngân hàng tỉnh Thái Bình rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ năm 1989 - 1997, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, nhiều khóa là đại biểu Quốc hội… |