Ông Putin được bầu làm tổng thống Nga lần đầu tiên năm 2000 và sau đó tái đắc cử nhiệm kỳ lãnh đạo chính phủ kéo dài 4 năm thêm 3 lần nữa, vào các năm 2004, 2012 và 2018.
Nếu chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu sắp tới như các dự báo mới nhất, ông Putin, 71 tuổi sẽ tiếp tục lãnh đạo Nga nhiệm kỳ thứ 5, lần này kéo dài 6 năm theo các sửa đổi Hiến pháp được nước này thông qua năm 2020. Những cải cách pháp lý quan trọng đó cũng xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ tổng thống, đồng nghĩa ông Putin có thể chạy đua vào ghế lãnh đạo Điện Kremlin lần nữa vào năm 2030 và nếu tái đắc cử, ông sẽ cầm quyền đến năm 2036, lúc 83 tuổi.
Nhiều nhà quan sát nhận định, viễn cảnh trên khả năng cao sẽ trở thành hiện thực vì ông Putin đang là chính trị gia gần như “bất khả chiến bại” ở xứ sở bạch dương. Cho đến nay, ông Putin đang giữ kỷ lục là nhà cầm quyền tại vị lâu nhất ở Nga kể từ sau lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin. Theo giới phân tích, điều này vì nhiều lí do.
Trong một bài xã luận viết cho hãng thông tấn Fox, Rebekah Koffler, chuyên gia phân tích tình báo quân sự chiến lược và là tác giả cuốn sách “Cẩm nang của Putin” lưu ý, dù phương Tây không công nhận, nhưng ông Putin thực tế là vị tổng thống được lòng dân.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Levada, một cơ quan thăm dò dư luận Nga được các nhà phân tích phương Tây đánh giá là đáng tin cậy, 82% số người Nga được hỏi ủng hộ các hoạt động của ông Putin trên cương vị tổng thống, trong khi 15% không tán thành và 3% không tiết lộ quan điểm.
Suốt 24 năm nắm quyền, dù với tư cách tổng thống hay thủ tướng Nga, tỉ lệ tín nhiệm của ông Putin thường rất cao, dao động trong khoảng 79 - 83% và hiếm khi giảm xuống dưới 60%.
Bà Koffler chỉ ra rằng, ông Putin giành được tỉ lệ ủng hộ cao vì dân Nga yêu thích một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, kiên định và khiến người khác kiêng nể. Đối với những người trung thành với Điện Kremlin, đương kim tổng thống là một chính khách tài năng và bản lĩnh, người đã ngăn chặn được sự tan rã của nước Nga, chế ngự thành công các trùm tài phiệt, khuất phục được phe ly khai ở Chechnya và giúp đất nước đương đầu với sự cạnh tranh địa chính trị dai dẳng của phương Tây.
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài sang năm thứ 3; Mỹ cùng các đồng minh không ngừng viện trợ quân sự cho Kiev và giáng nhiều đòn trừng phạt nhằm khiến Moscow “hứng chịu thất bại chiến lược”, người Nga có thể muốn ông Putin tiếp tục chèo lái đất nước vượt qua “sự bành trướng và thù địch của phương Tây, vốn đang đe dọa an ninh quốc gia Nga” như cách nói lâu nay của Điện Kremlin.
Hơn thế nữa, hiện không có ứng cử viên tổng thống nào đủ mạnh để thay thế ông Putin. Ngoài đương kim tổng thống đang tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, các gương mặt khác cũng chạy đua vào ghế lãnh đạo chính phủ năm nay là Nikolai Kharitonov của đảng Cộng sản Nga, Leonid Slutsky của đảng cánh hữu Dân chủ tự do và Vladislav Davankov của đảng Những người mới.
Hãng thông tấn Aljazeera dẫn lời các nhà phân tích đánh giá, tất cả những ứng viên trên đều ủng hộ rộng rãi các chính sách của Điện Kremlin, kể cả chiến dịch quân sự đặc biệt do Moscow phát động ở nước láng giềng. Các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, những ứng cử viên như vậy khó có thể giành đủ số phiếu để thách thức ông Putin.
Năm 2018, ông Kharitonov, người về thứ 2 trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó chỉ giành được 11,8% phiếu ủng hộ, kém xa ông Putin với 76,7% phiếu. Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, kết quả này nhiều khả năng sẽ lặp lại năm nay.
Theo cuộc khảo sát do Viện tiếp thị xã hội Nga công bố ngày 11/3, 80,2% số người được hỏi tiết lộ sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin trong khi chỉ khoảng 5,1 - 6,3% cử tri cho biết sẽ ủng hộ 3 ứng viên còn lại.
Vì tất cả những lí do trên, nhiều nhà phân tích nhận định, ông Putin gần như chắc chắn sẽ thắng cử năm nay. Và cuộc bầu cử tổng thống Nga lần này có thể được coi là một cuộc trưng cầu dân ý “ủng hộ hay phản đối Putin” như mô tả của Abbas Gallyamov, một chuyên gia phân tích chính trị từng đảm trách công việc chấp bút diễn văn cho lãnh đạo Điện Kremlin.