Hệ thống siêu thị Lotte Mart, Co.opmart, Big C... từng được Thủ tướng Chính phủ khen vì dùng lá chuối gói hàng thay cho túi ni-lông. Lối tiêu dùng thân thiện với môi trường này do vậy được kỳ vọng sẽ tạo được sự lan tỏa mạnh trong cộng đồng. Thế nhưng, hiện nay, cách làm này không còn được duy trì. Theo đại diện các siêu thị, việc dùng lá chuối hay các sản phẩm tự nhiên làm tăng giá thành sản phẩm và tốn thêm nhân công khiến các nhà cung cấp không duy trì.
Hình ảnh rau xanh ở siêu thị được gói bằng lá chuối chỉ xuất hiện được một thời gian ngắn |
Đại diện Big C cho biết, hiện chỉ còn một số siêu thị trong hệ thống Big C ở miền Bắc dùng lá chuối gói rau. Để duy trì chính sách giảm thải túi ni-lông, hệ thống đang áp dụng hình thức bán túi thân thiện môi trường và đóng hàng cho khách bằng thùng các-tông.
Theo đại diện Co.opmart, người tiêu dùng (NTD) quan tâm đến nguồn hàng và giá cả sản phẩm hơn là tính thân thiện với môi trường. Các nhà cung cấp rau cho siêu thị cũng không còn duy trì hình thức bó rau trong lá chuối.
Còn theo đại diện Lotte Mart, lá chuối nhanh chuyển màu khiến sản phẩm không bắt mắt. Siêu thị không có đủ nhân công để thay lá chuối mới và bó rau lại. Tuy nhiên, Lotte Mart vẫn tiếp tục triển khai chương trình giảm thiểu túi ni-lông được khởi động từ năm 2019 và hướng tới mục tiêu trở thành siêu thị đầu tiên ở Việt Nam cắt giảm toàn bộ túi ni-lông dùng một lần vào năm 2025. Hiện siêu thị có bán túi làm từ lá sen để thay thế túi ni-lông.
Một số cửa hàng chuyên doanh thực phẩm hữu cơ cũng không dùng lá chuối bó rau do lo ngại lá chuối không đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, lá chuối, lá dong phải được trồng trong vườn riêng và đạt chuẩn organic của châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, việc dùng lá chuối cũng dễ phát sinh nấm mốc do tác động của nhiệt độ, độ ẩm không khí, gây ảnh hưởng đến rau.
Rau xanh ở siêu thị không còn được đóng gói bằng lá chuối như trước đây mà được gói bằng túi ni-lông |
Anh Nguyễn Anh Thảo - từng là chủ cửa hàng Tiệm Rau Của Ba (quận Bình Thạnh, TPHCM), chuyên dùng lá chuối bó rau và túi giấy gói sản phẩm - cho rằng yếu tố quyết định xu hướng dùng sản phẩm thân thiện môi trường là chi phí và nhân lực. Cửa hàng phải có nguồn kinh phí để mua lá chuối, túi giấy và không tính chi phí này vào giá bán, mới khuyến khích được NTD chung tay bảo vệ môi trường. Do thiếu kinh phí, nguồn hàng không ổn định nên anh quyết định ngừng kinh doanh. Theo anh Thảo, để lan tỏa xu hướng tiêu dùng “xanh”, cần nhiều đơn vị đồng hành và xã hội cùng tham gia; chỉ một số đơn vị nhỏ lẻ làm thì khó xuyên suốt, lâu dài.
Hiện nay, chỉ có vài siêu thị, cửa hàng còn bán chén, dĩa làm từ bã mía, muỗng gỗ, ống hút bằng giấy, tre, cỏ bàng nhưng số lượng rất ít và sức mua không cao do giá khá đắt. Chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng - Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp quản trị tổng thể ISM - cho rằng sở dĩ phần lớn NTD vẫn dùng bao ni-lông, đồ dùng làm từ nhựa là do giá rẻ. Theo ông, ý thức của NTD về “tiêu dùng xanh” là rất quan trọng, kế đến là họ chấp nhận giá sản phẩm ở mức nào. Khi ý thức bảo vệ môi trường tăng, thu nhập tăng thì NTD dễ chấp nhận mua sản phẩm thân thiện môi trường hơn.
Cũng theo ông Ngô Đình Dũng, các công ty lớn nên chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để thay thế bao bì bằng sản phẩm thân thiện môi trường và không cộng vào giá bán thì NTD sẽ ủng hộ: “Một số nước như Thái Lan không cung cấp bao ni-lông, NTD đem túi theo khi mua hàng hoặc có thể mua túi ở siêu thị với giá cao. Nghĩa là, họ đánh vào ý thức và túi tiền của NTD. Để đẩy mạnh xu hướng “tiêu dùng xanh”, cần kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục và dùng luật pháp để bắt buộc”.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)
Những thứ tưởng như bỏ đi như lá chuối khô, lá bàng và vỏ hộp sữa được các bạn trẻ biến thành những sản phẩm bát đĩa độc lạ, thân thiện với môi trường. Còn lá sen cũng thành những bức tranh đẹp mắt, giá chục triệu đồng.