Tại các cuộc họp ứng phó với bão Noru, cơ quan khí tượng thuỷ văn và cơ quan phòng chống thiên tai đều thống nhất đây là siêu bão, mạnh nhất 20 năm qua. Nhiều đại biểu còn so sánh bão Noru với cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana 2009, từng gây thiệt hại nặng ở các tỉnh Trung bộ.

Thậm chí ông Phạm Đức Luận, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai còn nhấn mạnh “không tàu cá nào chạy nhanh bằng bão Noru” - từ 20-25km/h.

Thực tế, khi vào Biển Đông, cơn bão này có sự thay đổi nhanh, liên tục về cường độ, với mức gió giật có thể từ cấp 12 lên tới cấp 17 ở ngoài biển và khi vào bờ có thể đạt cấp 12, cấp 14.

Tuy vậy, tại cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại bão số 4, ngày 28/9, Ban Chỉ đạo tiền phương cho biết, thiệt hại bước đầu đến nay đã được giảm thiểu ở mức tối đa.

Không đợi thiên tai xảy ra mới chống

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, cơn bão số 4 đã đi qua với thiệt hại thấp nhất về tài sản, không có thiệt hại về người.

“Trong công tác phòng chống cơn bão này, nhiều điều không phải do may mắn mà có, mà đây thực sự là nỗ lực, sự chủ động của các cấp, các ngành trong phòng chống thiên tai”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc

Cụ thể, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đó là sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết, kịp thời, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cơ quan chức năng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, tỉnh luôn xác định phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng người dân. Trước khi bão vào, tỉnh làm tốt công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, sơ tán dân, chằng chống nhà cửa; trong bão kêu gọi ai ở đâu yên đó.

“Phòng chống thiên tai thì không đợi thiên tai xảy ra mới chống. Hằng năm phải tổng kết kinh nghiệm, những gì làm tốt thì phát huy, những gì làm chưa tốt thì khắc phục”, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho hay.

Qua công tác phòng chống cơn bão số 4, lãnh đạo TP Đà Nẵng rút ra bài học kinh nghiệm lớn nhất đó là phải quyết liệt di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có khả năng sạt lở bằng các biện pháp kiên quyết, kiên trì.

Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng đã phát huy tốt vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng chống lụt bão để giảm thấp nhất rủi ro, thiệt hại về người và tài sản.

Khi xác định cơn bão số 4 rất nguy hiểm, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ứng phó tập trung, quyết liệt, đồng thời nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân.

“Đây là nguyên nhân quan trọng để không có thiệt hại về người, thiệt hại nông nghiệp thấp”, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chia sẻ.

10 tiếng trước khi bão vào không còn người ngoài đường

Trực tiếp thị sát công tác phòng, chống bão lũ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, sự chỉ đạo quyết liệt từ sớm, từ xa và ý thức chấp hành của người dân là yếu tố quyết định đến kết quả phòng, chống bão.

Theo Phó Thủ tướng, trước đây nhiều vụ tai nạn mưa bão do đi đường bị cây đổ, ngã xuống sông, nhà tốc mái. Khi đi kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 4, Phó Thủ tướng nhận thấy, đến 5h chiều ngày 27/9, không còn bóng người ngoài đường.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đức Tuân.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng còn nhấn mạnh đến sự đùm bọc trong nhân dân góp phần vào kết quả phòng, chống bão. Đi kiểm tra một số khu vực ở Thừa Thiên Huế, ông và đoàn công tác nhận thấy sự đoàn kết, chia sẻ của bà con. Người sống trong nhà cấp 4 sang ở nhờ nhà hàng xóm kiên cố hơn, có khách sạn dành cho bà con trú tránh.

Kết luận cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình, khắc phục thiệt hại bão số 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kết quả ứng phó bão khả quan và tích cực.

“Đây là điều đáng mừng sau một cơn bão được dự báo rất mạnh, rất nhanh và phức tạp”, Thủ tướng nói.

Bão số 4 khiến hàng trăm ngôi nhà ở TT-Huế bị sập và tốc mái. Ảnh: Quang Thành

Thủ tướng nhấn mạnh 6 bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão. Thứ nhất, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người. Thứ hai, nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão.

Thứ ba, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp tình hình. Thứ tư, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình tình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Thứ năm, thông tin, hướng dẫn kịp thời, thông suốt, toàn diện, đầy đủ tới người dân, các cấp ủy, chính quyền và doanh nghiệp. Thứ sáu, phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, cũng không lo sợ, hoang mang, hốt hoảng, mất bình tĩnh.

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), dự báo về cường độ bão số 4 của Việt Nam sát nhất, còn dự báo quốc tế cao hơn 2-3 cấp trên Biển Đông và 3-4 cấp khi bão đổ bộ.
 
Phố cổ Hội An xác xơ, chìm trong biển nước sau bão

Phố cổ Hội An xác xơ, chìm trong biển nước sau bão

Siêu bão Noru quét qua địa bàn Quảng Nam vào đêm và rạng sáng 28/9 khiến nhiều địa phương ở miền Trung chịu thiệt hại nặng nề. Chiều nay, phố cổ Hội An trong cảnh xác xơ, nước ngập sâu hàng chục cm.