Phản ánh của người dùng về lừa đảo trực tuyến tăng hơn 4 lần

Là một phần của Cổng không gian mạng quốc gia được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đưa vào vận hành từ tháng 4/2020, cổng cảnh báo an toàn thông tin tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn hiện là nơi trợ giúp người dân, tổ chức, gửi thông tin phản ánh về các vấn đề an toàn, an ninh mạng trên không gian mạng Việt Nam, bao gồm các trường hợp người dân nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo trực tuyến.

canh bao lua dao 2 1.jpg
Riêng trong tuần cuối tháng 6/2024, mỗi ngày có tới hơn 263 phản ánh về lừa đảo trực tuyến được người dùng gửi về hệ thống của NCSC. Ảnh: T.Hiền

Theo thống kê mới nhất từ cổng canhbao.khonggianmang.vn, số lượng phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam đã tăng liên tục trong 3 tuần cuối tháng 6/2024, từ 815 lên 965 và cán mốc 1.843 phản ánh trong tuần cuối cùng của quý II năm nay.

Như vậy, so với trung bình hằng tuần từ tháng 5/2024 trở về trước, số lượng phản ánh về lừa đảo của người dân tới cổng cảnh báo đã tăng từ 2 đến hơn 4 lần. Riêng trong tuần cuối tháng 6, mỗi ngày có tới hơn 263 phản ánh về lừa đảo trực tuyến được gửi về hệ thống của NCSC.

Kết quả kiểm tra, phân tích của các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho thấy, trong số hơn 4.000 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi về Trung tâm qua cổng cảnh báo an toàn thông tin vào tháng 6/2024, có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử... Đáng chú ý, trong khoảng 3 tuần trở lại đây, sau khi 2 sự kiện thể thao lớn là Euro 2024 và Copa America 2024 khởi tranh, hệ thống kỹ thuật của NCSC ghi nhận số lượng lớn các phản ánh về lừa đảo, cá cược bóng đá.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet về nguyên nhân đưa đến số lượng phản ánh lừa đảo của người dân gửi tới cổng cảnh báo an toàn thông tin gia tăng mạnh thời gian gần đây, chuyên gia VSEC cho rằng có 2 lý do chính.

Một là, số lượng các cuộc lừa đảo gia tăng khiến tỷ lệ phản ánh cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Hai là, nhiều người dân đã bắt đầu có ý thức, nhận biết về lừa đảo trực tuyến cũng như cách thức để báo cáo các trường hợp lừa đảo tới cơ quan chức năng.

“Ở trường hợp thứ 2 thì đó là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trường hợp 1 lại là tín hiệu cảnh báo đáng lo ngại khi tội phạm mạng đang hoạt động mạnh mẽ và đa dạng kịch bản để gài bẫy ‘con mồi’ sa lưới, trong khi vẫn còn nhiều người dân nhẹ dạ, mất cảnh giác”, chuyên gia VSEC nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Kỹ thuật, Công ty cổ phần Công nghệ giải pháp quốc tế VNCS - VNCS Global, những con số thống kê về lừa đảo trực tuyến được ghi nhận trên không gian mạng Việt Nam thời gian qua thực sự đáng lo ngại.

“Dẫu vậy, tôi cho rằng những con số thống kê này vẫn chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm, và thực tế số vụ lừa đảo trực tuyến còn có thể lớn và tiềm ẩn nhiều mối lo ngại hơn nữa”, ông Nguyễn Hoàng Sơn nhận xét.

Bình luận về sự gia tăng mạnh các phản ánh lừa đảo trực tuyến, ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc An ninh mạng của Bkav cho hay: “Các vụ lừa đảo trực tuyến tại nước ta đang có xu hướng tăng nhanh, gây bức xúc trong dư luận. Tuy vậy, đây là điều rất bình thường bởi lừa đảo trực tuyến không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn thế giới. Chúng ta cần chấp nhận thực tế này và có nhiều biện pháp đồng bộ để phòng tránh, giảm thiểu các vụ lừa đảo”.

Nâng nhận thức người dân vẫn là giải pháp quan trọng để chống lừa đảo

Các chuyên gia VSEC, Bkav, VNCS Global cũng thống nhất rằng, dù các cơ quan chức năng liên tục tuyên truyền, cảnh báo, song cho đến nay vẫn có nhiều người dân bị dính các bẫy lừa đảo trực tuyến.

Lý giải nguyên do của tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thứ chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có câu chuyện nhận thức về an toàn, an ninh mạng của rất nhiều người dân Việt Nam còn chưa cao, vì thế họ không cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn, email hay truy cập website lừa đảo mà không hề hay biết.

Mặt khác, các hành vi lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn đa dạng đánh vào tâm lý, lòng tham của nhiều người. Song song đó, nhiều đối tượng lừa đảo còn ứng dụng công nghệ cao vào các vụ lừa đảo khiến cho người dân càng khó phát hiện hơn.

“Một nguyên nhân nữa là do môi trường mạng không có giới hạn về không gian, khoảng cách, các hoạt động lừa đảo diễn ra trên phạm vi rộng, xuyên biên giới, do đó các cơ quan chức năng cũng rất khó vào cuộc để xử lý triệt để”, ông Nguyễn Văn Thứ phân tích.

tin nhan lua dao gia mao ngan hang 1.jpg
Hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo còn ứng dụng công nghệ cao vào các vụ lừa đảo khiến cho người dân càng khó phát hiện hơn. Ảnh minh họa: Trọng Đạt

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn, trong thời đại xã hội và công nghệ liên tục phát triển mạnh mẽ hiện nay, một trong những yếu tố chính dẫn đến tình trạng trên nằm ở việc các hình thức lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp. Bên cạnh đó, không ít người dân vẫn có những tâm lý như nhẹ dạ cả tin, lòng tham nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo.

“Khả năng nhận biết và các rủi ro an toàn thông tin còn nhiều hạn chế, cộng với sự hiếu kỳ với những thông tin nhạy cảm, giật gân... cũng là những nguyên nhân chính dẫn đến những tình huống lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để lại hậu quả không mong muốn”, ông Nguyễn Hoàng Sơn thông tin thêm.

Chuyên gia VSEC đặc biệt lưu ý nhóm đối tượng thường được kẻ lừa đảo nhắm đến trên không gian mạng, đó là những người ít có nhận thức về công nghệ, người già, người lao động thu nhập thấp, người dân vùng sâu... Nhóm đối tượng này thường ít tiếp xúc được với những nội dung tuyên truyền, hoặc có tiếp xúc nhưng không hiểu, dẫn tới dù đã được tuyên truyền nhưng vẫn có nhiều người ‘dính bẫy’ lừa đảo.

Trong ‘cuộc chiến’ với lừa đảo trực tuyến, các chuyên gia cho rằng, người dân cần giữ tâm thế luôn chủ động trong việc nâng cao nhận thức về các mối hiểm họa trên không gian mạng, trang bị tốt cho bản thân về công nghệ và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, cập nhật các hình thức lừa đảo mới để luôn có những phản ứng tốt trong các tình huống.

Song song đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng cần tiếp tục duy trì và có thêm nhiều những hoạt động truyền thông hơn nữa đến người dân; đào tạo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh cho từng đối tượng, lứa tuổi và chuyên môn, với những tài liệu dễ hiểu, ngắn gọn và gần gũi nhất để giúp người dân dễ dàng hiểu rõ hơn về các nguy cơ có thể gặp phải trên không gian mạng. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro gây mất an toàn thông tin mạng.