Các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam đang rục rịch chuẩn bị cho đợt mua sắm 11.11. Thậm chí nhiều bên đã bắt đầu chiến dịch mua sắm này kể từ đầu tháng 11.

Sự kiện này quan trọng đến mức Shopee nhận định đây là lễ hội mua sắm đáng chú ý nhất trong khu vực Đông Nam Á và dự kiến đạt doanh số lớn nhất năm nay.

{keywords}
Nhân viên phân loại hàng hoá bên trong kho một đơn vị vận chuyển. (Ảnh: Hải Đăng)

Năm ngoái, Alibaba thu về doanh thu 74,1 tỷ USD trong 11 ngày của lễ hội mua sắm 11.11, xử lý hơn 2,32 tỉ đơn hàng, làm việc với 230.000 nhà bán. Doanh số của Alibaba cao gấp 21 lần so với sự kiện Prime Day kéo dài 2 ngày của Amazon.

Tại Việt Nam, trong vòng 2 giờ đầu tiên của ngày 11/11/2020, Lazada ghi nhận số lượng sản phẩm được cho vào giỏ hàng tăng gấp đôi so với dịp giảm giá năm trước, bán ra 20.000 điện thoại di động, 3.000 tivi, 50.000 phiếu ưu đãi ăn uống. Trên Shoppee, một thương hiệu thời trang đã đạt được doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Trong khi đó, Tiki thiết lập kỷ lục mới với mức doanh số tăng 50% so với dịp 10/10 cùng kỳ.

Tuy vậy, để có một chiến dịch kinh doanh thành công trong ngày 11.11, bản thân nền tảng thương mại điện tử lẫn nhà bán đều phải lên kế hoạch chi tiết.

TMX, một công ty tư vấn doanh nghiệp, đã đưa ra những khuyến cáo để các bên có thể làm hài lòng khách hàng và đạt doanh số theo đúng kế hoạch.

“Để tối đa hóa doanh số và đáp ứng hiệu quả nhu cầu mua rất lớn của khách hàng trong lễ hội mua sắm này thì các thương hiệu và doanh nghiệp cần lập kế hoạch và có sự chuẩn bị tỉ mỉ”, ông Andrew Maher - Giám đốc TMX Việt Nam cho biết. Trong đó, các khâu quan trọng gồm tiếp thị, quảng cáo, quản lý hàng tồn kho, cho đến đổi mới dịch vụ và hậu cần vận chuyển.

Về chiến lược tiếp thị, công ty tư vấn cho rằng các thương hiệu nên dự tính cho hoạt động quảng bá trước vài tháng diễn ra sự kiện.

Theo thống kê, tại thời điểm này năm 2020, chiến dịch truyền thông của Lazada đã tiếp cận và tạo độ lan tỏa tới hơn 8,6 triệu người. Đồng thời, Shopee sử dụng chiến lược tiếp thị thông qua người có tầm ảnh hưởng khi thu hút 222.156 lượt thích, 3.540 lượt chia sẻ và 12.972 lượt bình luận trên các phương tiện truyền thông xã hội trong sự kiện.

Tiếp đến, các bên cần lập sẵn kế hoạch đối ứng lượng hàng tồn kho. Dựa trên những phân tích, quan sát về xu hướng mặt hàng bán chạy từ các sự kiện trước đó, phải đảm bảo lượng hàng trong kho đầy đủ để chuẩn bị cho lễ hội 11.11.

Vào năm 2020, một thương hiệu mỹ phẩm đã bán được 16.000 chai tẩy trang chỉ trong 8 giờ diễn ra một đợt giảm giá trên Shopee - cao gấp 10 lần so với ngày thường. Minh chứng này khẳng định nhu cầu của người tiêu dùng cao hơn đáng kể đối với các sản phẩm trong sự kiện mua sắm lớn như 11.11.

TMX cũng khuyên các nhãn hàng có thể sử dụng sự kiện 11.11 để tìm hiểu phản ứng của thị trường với sản phẩm mới. Hầu hết người tiêu dùng sẽ chủ động ghé thăm các cửa hàng trực tuyến - từ trang web của thương hiệu, cửa hàng trên mạng xã hội hay gian hàng chính thức tại sàn thương mại điện tử. Việc tiếp xúc với các thương hiệu và sản phẩm nhiều hơn trong ngày này sẽ là lợi thế giúp nhãn hàng giới thiệu và thúc đẩy doanh số cho các sản phẩm mới.

Dù doanh số rất quan trọng nhưng các doanh nghiệp cũng phải bảo đảm yếu tố an toàn khi thanh toán cho khách hàng. Theo nghiên cứu của Deloitte, 70% người tiêu dùng Việt Nam thuộc phân khúc thu nhập cao lo ngại về tính bảo mật của các giao dịch trực tuyến.

Để giải quyết vấn đề này, các thương hiệu phải đảm bảo hệ thống xử lý thanh toán được mã hóa và bảo mật cao tránh vi phạm dữ liệu của khách hàng, và hợp tác với các cổng thanh toán đáng tin cậy.

Cuối cùng, phía công ty tư vấn khẳng định dịch vụ hậu cần là nhân tố then chốt. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ mong muốn nhận sản phẩm trong tình trạng nguyên vẹn, mà còn muốn hàng được giao đến tận tay họ một cách nhanh nhất.

Do đó, các doanh nghiệp, tập đoàn nên xây dựng chiến lược hậu cần hợp lý và hệ thống kho bãi hiệu quả để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển liền mạch và không xảy ra trục trặc nào trong suốt quá trình giao hàng.

Trên thực tế quan sát có thể thấy tất cả các sàn thương mại điện tử lớn đều áp dụng triệt để những chiến lược nói trên. Họ đầu tư lớn vào các chiến dịch quảng bá cho ngày 11.11, tăng cường đội ngũ phân loại hàng và giao hàng, tích cực lôi kéo nhà bán hàng mới, tung ra nhiều sản phẩm khuyến mại với mức giảm có khi nửa giá, và vẫn bắt tay với các nền tảng thanh toán tiên tiến nhất hiện nay.

Sau giai đoạn dịch bệnh, có một trào lưu mua sắm thả cửa để bù lại những tháng ngày phải ngồi tại nhà. Điều này có thể tạo nên doanh số kỷ lục cho các bên trong mùa mua sắm 11.11 sẽ diễn ra giữa tuần tới.

Hải Đăng

Thương mại điện tử rục rịch cho ngày mua sắm lớn nhất năm

Thương mại điện tử rục rịch cho ngày mua sắm lớn nhất năm

Shopee, Lazada và thậm chí MoMo đều đã khởi động cho ngày mua sắm 11.11 được chờ đợi nhất trong năm.