Cuốn sách Fake news và chống Fake news – Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật? của tác giả Đỗ Đình Tấn (từng công tác tại báo Tuổi trẻ) do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành gây ấn tượng với độc giả nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/1925 – 21/6/2022.
Cuốn sách này đề cập đến cuộc chiến chống tin giả/fake news trên khắp thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra, từ những tư liệu cập nhật và những tham luận của các nhà nghiên cứu được trình bày tại một cuộc hội thảo quốc tế ở Canada vào năm 2018. Khái niệm “fake news” thật sự được phổ biến rộng rãi từ năm 2016 khi ông Donald Trump tranh cử tổng thống, làm nên một chiến thắng khó tin trong lịch sử nước Mỹ. Người ta bảo rằng, fake news đã “tạo” ra một tổng thống như thế. Kể từ đó, “You are fake news” luôn được cựu Tổng thống Donald Trump nhắc đến như một câu cửa miệng khi có những tin tức bất lợi về ông.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, cổng thông tin điện tử hàng ngày luôn có hằng hà sa số tin thật lẫn tin giả, làm sao để người dùng mạng xử lý thông tin một cách thông minh? Cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn những kiến thức và cách phân biệt fake news. Fake news là một thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ, để đánh lừa công chúng nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích…) nào đó.
Tin giả hiện nay đã là nội dung quan tâm của nhiều giới, từ các nhà nghiên cứu về truyền thông, các nhà xã hội học đến các chính trị gia, nhà kinh tế học, luật gia, thậm chí cả các nhà thư viện học. Nhiều dự án, công trình nghiên cứu được tiến hành, nhiều hội thảo được tổ chức, các phương tiện truyền thông truyền thống cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Cuốn sách này đã thử lý giải nhiều câu hỏi liên quan đến fake news như: Vì sao cái giả lại hấp dẫn hơn cái thật? Vì sao cái giả dễ được tin là thật? Vì sao cái giả lại gây hậu quả và tác hại thật?
Cuốn sách đề cập đến các nội dung chính:
Fake news, sự lây lây lan và mục đích được tạo ra: Nhận diện fake news và trả lời các câu hỏi: Fake news là gì? Một hiện tương “rượu mới bình cũ” hay là một thực tế hoàn toàn mới được sinh ra cùng với các mạng xã hội? Fake news lây lan như thế nào, được dẫn dắt bởi những động cơ nào và được tạo ra nhằm mục đích gì? Tuyên truyền điện tử là gì? Vì sao nó được xem là một công cụ để kiểm soát xã hội của các nhà nước hiện nay?
Tin giả, thách thức và khủng hoảng báo chí - Nhận diện những thách thức và những nguy cơ mới mà tin giả đặt ra: Xóa nhòa ranh giới giữa chung và riêng? Sự chú ý (theo dõi) trở thành giá trị? Bong bóng lọc và sự phân hóa xã hội? Sự thật trở thành thứ yếu? Trong bối cảnh của những nguy cơ mới này, truyền thông truyền thống (báo chí) lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Biểu hiện của cuộc khủng hoảng này là gì? Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với thông tin ra sao?
Báo chí tự cứu mình và chống tin giả - Cuộc chiến “kép” của truyền thông truyền thống. Một là, thoát khỏi khủng hoảng tài chính bằng cách nào? Hai là, chống tin giả ra sao? Xem ra cuộc chiến này giống như cuộc đối đầu giữa chàng tí hon David và gã khổng lồ Goliath. Việc hợp tác để sản xuất nội dung cho các mạng xã hội là cơ may hay là nguy cơ bị lệ thuộc và “bán mình” cho các nền tảng này?
Liệu truyền thông truyền thống có còn con đường nào khác để tồn tại, từ đó giành lại niềm tin của công chúng, sự ổn định và phát triển của xã hội? Truyền thông truyền thống sẽ thay đổi như thế nào để thoát khỏi khủng hoảng và khẳng định là người bảo vệ sự thật và và nền dân chủ? Có mô hình thành công nào hay giải pháp nào trong việc tìm kiếm những nguồn thu mới? Có thể buộc các nền tảng trả tiền nội dung tin tức? Truyền thông truyền thống có thể khôi phục sự đáng tin cậy của mình bằng cách nào? Liệu việc kiểm tra thông tin (fact checking) có đủ để chống tin giả hay chỉ vẫn là chạy theo đuôi tin giả và cứ mãi là “trâu chậm uống nước đục”.
Pháp luật, cách tiếp cận và chọn lựa khác - Luật pháp như “cây gậy” để răn đe những ai tạo ra tin giả. Tùy theo thực tế pháp luật, chính trị và xã hội, mỗi nước có cách tiếp cận và chọn lựa khác nhau. Nhiều nước không xem fake news là phạm pháp nhưng không phải vì thế mà bó tay với fake news. Trong khi đó, nhiều nước lại đưa ra một đạo luật mới với những khoản tiền phạt rất nặng, thậm chí bỏ tù đối với người phát tán tin giả và với các mạng xã hội (cùng với nhiều ràng buộc trách nhiệm khác nữa).
Xoá mù, kiến thức và kỹ năng số cho công dân - Khảo sát giải pháp dựa trên các công dân để đấu tranh chống tin giả: “Xóa mù truyền thông” (hay xóa mù tin tức). Được xem là chương trình hành động của thế giới trong thế kỷ 21 (giống như chương trình xóa mù chữ trong thế kỷ 20), xóa mù truyền thông là trang bị cho công dân, nhất là công dân trẻ, những hiểu biết và kỹ năng cần thiết giúp họ có được một tư duy phê phán, từ đó hiểu, phân tích và đánh giá các thông tin và hình ảnh trên không gian trực tuyến. Khi mỗi công dân được xóa mù, nghĩa là được trang bị hiểu biết và các kỹ năng số, họ sẽ hành động! Những cơ sở thực tiễn và xã hội nào cho thấy đòi hỏi này là cấp bách, phải tiến hành càng sớm càng tốt ngay khi các công dân này còn ngồi trên ghế nhà trường.
Do các đặc điểm của tin giả, không một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được vấn đề tin giả mà cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau.
Sử dụng luật pháp là cần thiết, nhưng nếu muốn đảm bảo có sự hợp tác của các mạng xã hội thì việc vung cao “cậy gậy” này là không đủ. Liệu “cây gậy” mới này có là giải pháp hiệu quả cho vấn nạn tin giả mà không gây nguy hại đến quyền tự do ngôn luận không? Liệu các mạng xã hội có thực sự muốn hợp tác để ngăn chặn tin giả bằng cách kiểm soát các nội dung, xử lý các cáo giác, gỡ bỏ các nội dung hay chỉ làm chiếu lệ để “né” pháp luật vì sợ bị xử phạt? Liệu các mạng xã hội có thích đóng vai trò quan tòa để phán xử đúng sai, thật giả, đi ngược lại nguyên tắc kinh doanh “một nền tảng” của họ? Hay chỉ khi người sử dụng Internet, trong vai trò vừa là người tạo ra, tiêu thụ và phân phối lại thông tin, đủ khả năng không tiếp nhận, từ chối, tẩy chay tin giả, thì khi đó họ mới có thể góp phần điều chỉnh dòng lũ thông tin này? Mối đe dọa bị đông đảo khách hàng tẩy chay không chỉ ở một nước mà nhiều nước và khắp thế giới mới là “củ cà rốt” đáng sợ và đủ sức buộc các nền tảng mạng xã hội phải đi vào khuôn phép?
Cũng thế, báo chí cho dù có ra sức kiểm tra dữ kiện song cũng không khỏi rơi vào cảnh “múa gậy rừng hoang” trong lúc lại đang suy yếu. Làm sao một “Tề Thiên đại thánh” đơn độc có thể vung thiết bảng, tả xung hữu đột, trấn an được mọi yêu tinh ma quái? Hay chỉ khi Tề Thiên đại thánh biết bứt lông nhân bản thành hàng ngàn Tề Thiên khác thì mới có khả năng làm được điều đó?
Cũng thế, không thể chỉ có một trung tâm xử lý tin giả mà mỗi công dân phải là một “trung tâm” biết phân biệt đâu là tin thật, đâu là tin giả. Khi mỗi công dân có hiểu biết và năng lực tự xử lý, tự “miễn nhiễm”, trước hết là cho mình và tiếp theo là hành động, thì mới có thể tạo nên thế trận “nghìn tay, nghìn mắt” đủ sức lập ra những rào cản để ngăn chặn sự xâm nhập của tin giả?
Quỳnh My