Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến nay cả nước ghi nhận 203 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, số mắc tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Tuần qua, TP Hà Nội cũng đã ghi nhận ca mắc bệnh sởi đầu tiên trong năm 2024 là một bé gái 10 tuổi, đã được tiêm vắc-xin ngừa sởi.
Đặc biệt, một chùm ca bệnh sởi đã được ghi nhận tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả phân tích 12 ca bệnh cho thấy có 7/12 ca (58,4 %) đã được tiêm 2 mũi vắc-xin sởi, tuy nhiên vẫn mắc bệnh. Các trường hợp này đều có biểu hiện nhẹ và đã ra viện.
Nói về nguyên nhân vì sao có trẻ tiêm đủ 2 mũi mà vẫn mắc bệnh, trong khi theo lý thuyết, trẻ có thể có được miễn dịch suốt đời, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, tỷ lệ này vẫn có, dù rất ít.
Theo bác sĩ Khanh, có thể lúc bé 9 tháng tuổi tiêm mũi 1 nhưng chưa có miễn dịch, sau đó đến 12-15 tháng tiêm mũi 2, 3-4 tuổi không tiêm nhắc lại, khi bé đi học vẫn có thể lây bệnh do miễn dịch chưa đủ.
“Vì thế, trẻ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin vẫn có thể mắc bệnh nếu không tuân thủ khoảng cách chích ngừa an toàn”, bác sĩ Khanh nói. Tuy nhiên, nếu tiêm đủ 2 mũi mà vẫn mắc bệnh thì trẻ sẽ mắc ở mức độ nhẹ hơn, ít nguy hiểm.
Theo Cục Y tế dự phòng, lịch tiêm sởi cần tuân thủ các mốc thời gian sau:
Trẻ 9 tháng: Tiêm mũi sởi đơn (chương trình tiêm chủng mở rộng)
12-15 tháng: Tiêm mũi 3 trong 1 sởi – quai bị - rubella (liều 1)
4-6 tuổi: Tiêm liều 2 sởi – quai bị - rubella
Người lớn: Tiêm 1 liều duy nhất sởi – quai bị - rubella
Theo Bộ Y tế, tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc-xin hoặc chưa từng mắc sởi.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, lưu hành phổ biến ở trẻ em. Bệnh lây từ người sang người chủ yếu qua đường hô hấp và xuất hiện quanh năm, nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Các triệu chứng thường gặp của bệnh sởi là sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu như ho, chảy mũi, đau mắt đỏ, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. |