Đây là lần đầu tiên nhà quản lý Trung Quốc điều tra hành vi “chọn một trong hai” đã diễn ra lâu năm trên thị trường thương mại điện tử trong nước. Phương thức này buộc các cửa hàng trực tuyến chỉ được lựa chọn một nền tảng duy nhất làm kênh phân phối độc quyền, đặc biệt trong các dịp mua sắm cuối năm như 11/11. Nếu họ xuất hiện trên nền tảng của đối thủ, công ty điều hành nền tảng có thể “trừng phạt” bằng cách chặn lưu lượng truy cập đến gian hàng.
Các nhà chức trách đã cảnh báo về hành vi này song vẫn chưa xử lý. Vào tháng 11, Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) và Cơ quan quản lý không gian mạng, Cục Thuế đã triệu tập 27 tập đoàn thương mại điện tử, trong đó có Alibaba, JD, Meituan, Pinduoduo, yêu cầu họ dừng hành vi song cuộc điều tra Alibaba là diễn biến mới.
Năm 2017, công ty thương mại điện tử lớn thứ hai Trung Quốc JD.com đâm đơn kiện Tmall, một chợ trực tuyến của Alibaba, với cáo buộc lạm dụng vị thế thị trường. Pinduoduo và Vipshop Holdings sau đó tham gia vụ kiện song tòa vẫn chưa ra phán quyết.
Nhà sản xuất lò vi sóng lớn nhất thế giới Galanz cũng đệ đơn kiện lên tòa án Quảng Châu chống lại Alibaba vì bị chuyển hướng truy cập các sản phẩm của hãng trên Tmall. Tranh chấp được dàn xếp vào tháng 6 năm nay sau khi hai bên ký thỏa thuận chiến lược.
Các công ty thương mại điện tử Trung Quốc chĩa mũi dùi vào nhau vì buộc người bán hàng phải chọn một “phe” để theo. Nhà sáng lập Pinduoduo Colin Huang trong thư gửi cổ đông tháng 4/2019 đã nói rằng “luật bất thành văn” này không thể sớm biến mất, ngay cả khi nó không tạo ra giá trị cho người dùng, người bán hàng hay nhà sản xuất.
Dù chiến thuật này rất phổ biến, điều tra nó lại tương đối phức tạp. Vụ việc cũng không có nhiều tiền lệ. Nhà chức trách Trung Quốc mới chỉ phạt đối tác của hai nền tảng giao đồ ăn Meituan và Ele.me vì ép nhà hàng chọn một trong hai ứng dụng.
Cuộc điều tra được công bố trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường sức ép lên các gã khổng lồ thương mại điện tử, đưa ra dự thảo nhằm ngăn chặn hành vi chống độc quyền của các hãng Internet. Nhà chức trách cũng phạt tiền một số công ty con của Alibaba, Tencent, SF Holding vào tuần trước.
Theo các nhà phân tích, chiến thuật cưỡng ép độc quyền không chỉ giới hạn trong ngành thương mại điện tử. Vụ kiện chống lại Alibaba có thể dẫn tới nhiều hành động hơn. Những công ty như dịch vụ gọi xe Didi, nền tảng video ngắn Douyin và Kuaishou, nền tảng livestream Douyu và Hupu… đều có nguy cơ đối mặt với luật chống độc quyền.
Dù vậy, chưa rõ nhà chức trách có kết tội Alibaba không và nếu có, hình phạt sẽ nghiêm trọng tới đâu. Còn quá sớm để nói về kết cục của vụ kiện. Trong kịch bản xấu nhất, Alibaba sẽ bị hạn chế các hành vi kinh doanh hoặc thậm chí là chia nhỏ công ty. Song dường như đây là điều khó xảy ra.
Du Lam (Theo SCMP)
Trung Quốc điều tra chống độc quyền Alibaba
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành điều tra chống độc quyền vào lĩnh vực Internet.