Trong năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố khoảng 568 quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, tương đương tổng số tiền phạt 25,9 tỷ đồng.
Trong gần 4 tháng đầu năm nay, cơ quan này tiếp tục ban hành gần 100 quyết định xử phạt với số tiền lên tới 9,6 tỷ đồng, tương ứng tăng 134,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không còn là nói miệng
Điều đó cho thấy cơ quan quản lý đang nỗ lực và quyết liệt trong việc xử lý các hành vi sai phạm để minh bạch hóa thị trường chứng khoán, đồng thời mức xử phạt đã tăng lên khá nhiều theo thời gian.
"Không còn là chuyện nói miệng nữa mà đã tăng cường thúc đẩy, trên thực tế chúng tôi đã xử lý rất nhiều vụ việc cụ thể", ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng UBCKNN nói trong chương trình Bí mật đồng tiền.
Vị này bổ sung trong cả quá trình phát triển của thị trường chứng khoán, không chỉ năm nay mà hầu như quyết định xử phạt năm sau đều tăng hơn so với năm trước và cũng có thêm nhiều vụ việc phức tạp.
Ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng UBCKNN. |
Do đó nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi tại sao thị trường hiện nay lại có nhiều vi phạm, ngay cả khi cơ quan quản lý tích cực xử lý nhưng các cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục vi phạm.
Ông Điền nói nhiệm vụ của cơ quan quản lý là giám sát thường xuyên và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, do quy mô và độ mở thị trường đã lớn nên phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, kể cả các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Nhắc lại quá khứ, trong 5 năm đầu thành lập thị trường, không có nhiều doanh nghiệp tham gia mà thậm chí UBCK phải tổ chức các đoàn đi mời từng doanh nghiệp niêm yết để có thị trường hôm nay.
Các doanh nghiệp niêm yết trước đây đều là những cái tên tiên phong tham gia thị trường chứng khoán. Doanh nghiệp phải chịu một quy định khắt khe nhất về công bố thông tin và qua quá trình phát triển mới quen dần với các quy định.
“Giai đoạn đầu chúng tôi cũng chỉ nhắc nhở và đôn đốc để các doanh nghiệp thực hiện theo quy định. Càng về sau này thì các quy định càng chặt chẽ hơn; đặc biệt khi Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thì đã có những chế tài cụ thể, do đó đã có thể xử lý nhiều vụ việc hơn", ông Điền lý giải.
Đại diện UBCKNN cũng chia sẻ với nhiều doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn Covid-19 cực kỳ khó khăn. Đại hội đồng cổ đông nhiều khi không tổ chức được, báo cáo tài chính không lập đúng hạn, kiểm toán viên không thể ra đường để thực hiện kiểm toán…
Do vậy, cơ quan quản lý sẵn lòng hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính và tất cả vấn đề liên quan để doanh nghiệp thuận lợi nhất trong kinh doanh.
"Bên cạnh đó chúng ta cũng phải có các xử lý để đảm bảo tính nghiêm minh, tính công bằng trên thị trường", lãnh đạo UBCKNN nêu rõ.
Điều này là để các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả nhà đầu tư quốc tế khi nhìn vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thấy được đây là một sân chơi bình đẳng và minh bạch.
Thị trường đang bị "ốm"
Nói về diễn biến hiện tại, ông Điền ví von thị trường giống như bị "ốm" nên buộc phải uống thuốc và không mong muốn có các tác dụng phụ xảy ra. Chúng ta phải bồi bổ thêm để cơ thể khỏe lên thì các tác dụng phụ sẽ dần dần chữa khỏi.
Thị trường giảm điểm mạnh trong thời gian qua là do cộng hưởng bởi nhiều nguyên nhân, ngoài ra một số tin đồn phát sinh cũng làm nhà đầu tư hốt hoảng ra quyết định mua bán.
Chỉ số chứng khoán trong 1-2 năm gần đây cũng tăng trưởng rất mạnh. Lãnh đạo UBCKNN cho rằng đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến thị trường lao dốc, bởi tăng trưởng nóng thì thông thường phải có nhịp điều chỉnh.
Đối với các hành vi vi phạm, ông Điền cho rằng lâu nay thị trường có nhiều quan điểm về chuyện xử lý vụ việc này kia. Tuy nhiên, những vụ việc như vậy được đánh giá là rất cần thiết, để làm thị trường minh bạch và công bằng, đạt hiệu quả cao hơn.
Thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn đạt được chức năng quan trọng là huy động vốn trung dài hạn. Tổng lượng vốn huy động trong năm 2021 đạt kỷ lục; hay trước đó là giai đoạn 2010-2020 cũng đạt mức 2,9 triệu tỷ đồng, cao gấp 10 lần giai đoạn 2000-2010.
Đại diện UBCKNN nhận định chứng khoán hiện vẫn là kênh huy động vốn khá hiệu quả. Tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán và dư nợ trái phiếu đạt 148,9% GDP, đã tiệm cận mức dư nợ tín dụng ngân hàng.
Do đó, thị trường vốn đã cân đối hơn giữa kênh chứng khoán, trái phiếu và kênh tín dụng ngân hàng. Điều này giúp giảm áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng, cơ cấu lại nguồn vốn của nền kinh tế và khẳng định vai trò quan trọng của kênh chứng khoán.
Ông Điền đánh giá trên thực tế các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng có sự chống chọi khá tốt, từng bước vượt qua, hồi phục và phát triển.
Cụ thể, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết năm 2021 tăng trưởng 33,6% và quý I/2022 tiếp tục tăng trưởng cao hơn. Số lượng doanh nghiệp báo lãi khá ổn định với gần 89% đơn vị có lãi trong năm ngoái.
(Theo Zing)