
Theo trang tin Defense Post, tờ Spiegel mới đây đã trích dẫn báo cáo của Phó Tùy viên quân sự của Đại sứ quán Đức tại Kiev và tài liệu nội bộ của quân đội Đức hé lộ về hiệu quả thực tế của các loại khí tài Berlin đã gửi tới Ukraine.
Theo thông tin của Phó Tùy viên quân sự Đức tại Ukraine, pháo tự hành PzH 2000 vốn được nhà sản xuất mô tả là "có năng lực nổi bật" nhưng lại bị binh lính Kiev đánh giá là hạn chế về mặt công nghệ. "Một số người thậm chí còn nghi ngờ khả năng tác chiến của PzH 2000", báo cáo của quan chức Đức viết.
Hệ thống Iris-T của Đức vận hành tại Ukraine. Video: Không quân Ukraine
Các loại xe tăng chiến đấu chủ lực như Leopard 1A5 và Leopard 2A6 được đánh giá là có khả năng tấn công chính xác và ổn định. Tuy vậy, phiên bản 1A5 chỉ được dùng như các hệ thống pháo tầm xa, vì lớp giáp cũ của chúng không thể chống lại máy bay không người lái (UAV) và tên lửa Nga. Phiên bản 2A6 có khả năng phòng thủ tốt hơn, nhưng lại vô cùng tốn kém và khó sửa chữa ở tiền tuyến.
Hệ thống phòng không hàng đầu của Đức là Iris-T cũng nhận được những đánh giá trái chiều. Trong khi được ca ngợi về tỷ lệ đánh chặn cao, nhưng hệ thống này lại quá đắt đỏ và không có đủ đạn dược. Năm 2024, Nga đã công bố một số video tập kích các bệ phóng và radar của tổ hợp Iris-T, gây tổn thất lớn về kinh tế cho Ukraine. Một tổ hợp Iris-T đầy đủ có giá ít nhất 150 triệu USD.
Pháo phòng không Gepard khai hỏa tại Ukraine. Video: Defence Blog
Ngoài Iris-T, Đức còn là bên cung cấp nhiều hệ thống phòng không Patriot nhất cho Ukraine. Tương tự Iris-T, Patriot cũng được binh lính Ukraine nhận xét là "một vũ khí tuyệt vời, nhưng không phù hợp để tác chiến liên tục". Các xe chở bệ phóng Patriot hiện đã quá cũ và rất khó tìm được phụ tùng thay thế.
Trong khi đó, các hệ thống pháo phản lực MARS II của Đức hầu như không được quân đội Ukraine sử dụng do thiếu đạn dược. "MARS có tầm bắn tốt, nhưng chúng lại không thể tương thích với các loại đạn chùm của Mỹ", báo cáo của quân đội Đức viết.
Khi các loại khí tài hiện đại nhất không nhận được nhiều đánh giá tích cực, pháo phòng không Gepard lại bất ngờ trở thành điểm sáng hiếm hoi. Theo trải nghiệm của binh lính Ukraine, Gepard là loại vũ khí "phổ biến, tiện dụng và hiệu quả trong việc chống lại UAV".


Cận cảnh Ukraine lần đầu tiên tập trận với hệ thống phòng thủ tối tân của Đức
