Video: Voenhronika.ru

Video được trang quân sự Voenhronika.ru công bố đêm 15/3 cho thấy, một nhóm binh sĩ Ukraine đã cho pháo tự hành M109 ẩn nấp kỹ dưới các tán cây rậm rạp tại một khu vực không xác định thuộc tỉnh Kherson. Sau đó, nhóm binh sĩ trên khai hỏa về phía quân Nga mà không biết rằng họ đã bị máy bay không người lái (UAV) trinh sát của đối phương hoạt động gần đó phát hiện.

Kíp pháo thủ Ukraine khai hỏa và vô tình làm lộ vị trí ẩn nấp (khoanh đỏ). Ảnh: Voenhronika.ru

Chiếc UAV trinh sát liền chuyển dữ liệu tọa độ khí tài của Ukraine về sở chỉ huy, và một UAV cảm tử Lancet Nga sau đó đã được điều tới để tấn công khẩu pháo tự hành đối phương.

Quân đội Ukraine tới nay chưa bình luận về những hình ảnh được truyền thông Nga công bố.

Một khẩu pháo M109 được Na Uy viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Truyền thông Ukraine

Theo trang Military Today, M109 là pháo tự hành được BAE Systems Platforms & Services, một công ty con của Tập đoàn BAE Systems, thiết kế và đưa vào biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1963. Pháo nặng 24,07 tấn; chiều dài 9,12m tính cả nòng; rộng 3,15m; cao 3,28m. Khả năng nâng góc nòng của pháo M109 nằm trong khoảng 3 đến 75 độ, và kíp vận hành sẽ cần tới 6 binh sĩ. Tốc độ bắn tối đa đạt 4 phát/phút.

Pháo M109 sử dụng loại đạn M126 có tầm bắn tối đa là 14,6km. Với đạn tăng tầm, khả năng tác chiến của pháo sẽ được nâng lên 20km. Tuổi thọ của nòng pháo M109 có thể đạt hơn 7.500 phát. Ngoài ra, xe còn được trang bị một súng máy sử dụng cỡ đạn 12,7 x 99mm NATO với cơ số 500 viên để chống lại bộ binh đối phương.

Một khẩu pháo M109A3 của quân đội Ukraine tham chiến ở khu vực Donbass. Ảnh: Mil.in.ua

Số liệu thống kê được tờ Bưu điện Washington công bố hồi tháng Một cho thấy, Mỹ cùng một số quốc gia khác như Na Uy, Latvia, Bỉ… từ tháng 2/2022 đã viện trợ khoảng 75 khẩu pháo tự hành M109 cho quân đội Ukraine.