Theo Insider, trong ngày 7/9, không quân Ukraine đã công bố đoạn video ghi lại cảnh lực lượng này sử dụng tổ hợp phòng không Gepard để đánh chặn UAV cảm tử Shahed-136 của Nga tại Odessa.
Trong đoạn video, không quân Ukraine đã dùng tổ hợp Gepard để khai hỏa liên tục về phía UAV của Nga. Sau vài loạt đạn, một quả cầu lửa đã xuất hiện trên bầu trời, cho thấy UAV của đối thủ đã bị bắn hạ.
Phía không quân Ukraine cho biết, pháo tự hành Gepard của Đức là phương tiện vô cùng hữu hiệu trong việc chống lại UAV của Nga. Vấn đề lớn nhất của loại vũ khí này là đạn dược hạn chế, do Thụy sĩ (quốc gia duy nhất còn sản xuất đạn cho Gepard) muốn giữ vị thế trung lập trong cuộc xung đột.
Tuy vậy, tình trạng thiếu thốn đạn dược cho các hệ thống Gepard có thể sẽ được giải quyết trong thời gian tới. Vào đầu năm 2023, tập đoàn Rheinmetall đã dời nhà máy ở Thụy Sĩ về Đức, và cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine 40.000 viên đạn cho hệ thống Gepard vào cuối năm.
Theo truyền thông Đức, kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, Berlin đã gửi tới Ukraine 46 tổ hợp Gepard, cùng với 6 tổ hợp khác đang chờ vận chuyển.
Gepard được chế tạo theo khung gầm của xe tăng Leopard 1, pháo tự hành của Đức được trang bị hai khẩu pháo Oerlikon GDF 35mm, với 680 viên đạn cho cả hai khẩu. Tổ hợp này được trang bị 2 radar, một radar tìm kiếm chung ở phía sau tháp pháo và một radar theo dõi, tốc độ di chuyển tối đa đạt 65 km/h, tầm hoạt động 550km.