Theo một nghiên cứu mới, số người thiệt mạng trong một cuộc chiến hạt nhân giữa New Delhi và Islamabad sẽ vượt quá con số tử vong trong toàn Thế chiến 2 và châm ngòi cho một thảm hoạ môi trường toàn cầu.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Science Advances số ra ngày 2/10, theo RT. Theo đó, tài liệu này dự báo về một thảm họa mà con người chưa bao giờ chứng kiến, vốn có thể khiến nhiệt độ thế giới tụt xuống mức tương tự Kỷ băng hà lần cuối cùng.
“Một cuộc chiến như vậy không chỉ đe dọa những địa điểm mà bom hạt nhân nhắm tới mà còn cả thế giới”, đồng tác giả nghiên cứu đồng thời là giáo sư về khoa học môi trường tại Đại học Rutgers, Mỹ là Alan Robock cho biết.
Mỗi vũ khí hạt nhân phát nổ có thể xoá sổ tới 700.000 người, theo mô phỏng trên máy tính của cuộc nghiên cứu cho thấy. Khi phát nổ, các vũ khí huỷ diệt này có thể làm muội và rác thải bắn vào không khí, tạo nên một “mùa đông hạt nhân”, dẫn đến nhiệt độ sụt giảm nhanh chóng, phá hỏng mùa màng và gây đói kém trên diện rộng.
“Đó sẽ là một cuộc chiến mà con người chưa từng chứng kiến”, người đứng đầu nghiên cứu Brian Toon cho hay. Ông Toon từng đưa ra khái niệm “mùa đông hạt nhân” khi làm việc với một nhóm các nhà nghiên cứu hồi những năm 1980.
Ấn Độ và Pakistan hiện có khoảng 300 vũ khí hạt nhân, nhưng nghiên cứu cho thấy số lượng này có thể tăng lên 500 vào năm 2025. Đây là năm mà các nhà nghiên cứu giả thuyết là chiến tranh có thể nổ ra theo mô phỏng trên máy tính của họ.
Hoài Linh