Từ chối tiếp nhận vụ việc, để "trôi" 3 năm là sai
Tiếp tục vụ việc "Ba năm trầy trật đòi công ty Cathay bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS)" (trường hợp của anh Võ Việt Tiến ở Khánh Hòa, chủ xe ô tô tải hiệu Hyundai biển kiểm soát 99K-3645), PV VietNamNet đã trao đổi với các luật sư và chuyên gia bảo hiểm để tìm thêm lời giải.
Trao đổi với VietNamNet, Luật sư Trần Đình Dũng, Trưởng đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 22/2016/TT-BTC thì chủ xe cơ giới được định nghĩa như sau: Chủ xe cơ giới (tổ chức, cá nhân) là chủ sở hữu xe cơ giới hoặc được chủ sở hữu xe cơ giới giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp, điều khiển xe cơ giới. Ngoài ra, tại điểm a khoản 6 Thông tư này thì khi tai nạn giao thông xảy ra, chủ xe cơ giới phải có trách nhiệm thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm để phối hợp giải quyết.
Căn cứ theo quy định trên, đối với trường hợp này, chủ xe cơ giới sẽ bao gồm chủ sở hữu xe là ông Võ Việt Tiến và người được giao điều khiển xe là lái xe Phạm Duy Long. Ông Tiến hoặc ông Long đều có quyền thực hiện việc thông báo về tai nạn đã xảy ra và yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại.
Luật sư Trần Đình Dũng dẫn chiếu tiếp: "Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư 22/2016/TT-BTC thì khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất".
"Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại khi có tai nạn xảy ra", Luật sư Dũng cho biết.
Do vậy, Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng, việc đại diện Công ty bảo hiểm Cathay Việt Nam từ chối tiếp nhận khai báo tai nạn với lý do anh Tiến, anh Long không phải chủ sở hữu trên giấy đăng ký xe là không đúng với quy định pháp luật.
Anh Võ Việt Tiến đã có yêu cầu bên công ty Cathay Việt Nam chi trả bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm vào ngày 24/11/2020. Theo Giấy biên nhận giao nộp chứng từ yêu cầu chi trả bảo hiểm của Công ty Cathay Việt Nam – Văn phòng 2 được lập ngày 22/12/2020 thì kết quả giải quyết sẽ được thông báo bằng văn bản đến khách hàng trong vòng 15 ngày. Như vậy, lẽ ra vào ngày 06/01/2021, phía công ty Cathay Việt Nam phải có văn bản trả lời đối với yêu cầu của anh Tiến. Nhưng sau thời gian trên cho đến nay đã 3 năm, công ty này dường như đã trốn tránh trách nhiệm, không hề hồi đáp.
Cũng theo Luật sư Dũng, chủ xe Võ Việt Tiến có thể khởi kiện Công ty Cathay Việt Nam ra Tòa án nhân dân để đảm bảo quyền lợi của mình. Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 30 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, khoản 5 Điều 15 Thông tư số: 22/2016/TT-BTC thì thời hiệu khởi kiện về việc bồi thường bảo hiểm là 03 năm kể từ ngày doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán bồi thường hoặc từ chối bồi thường.
Như vậy, tạm tính từ thời điểm vụ tai nạn xảy ra và thực hiện các thủ tục giải quyết từ tháng 10-11/2020, trường hợp của anh Võ Việt Tiến vẫn có còn thời gian để kiện công ty Cathay cho đến tháng 10-11/2023.
Đánh tráo khái niệm "chủ sở hữu xe" với "người được bảo hiểm"
Hiện nay, nhiều người dân mua bán xe không sang tên đổi chủ, nhưng hàng năm vẫn mua bảo hiểm TNDS xe cơ giới theo giấy tờ chủ xe cũ. Điều đáng nói là khi khách mua bảo hiểm, bên bán bảo hiểm chỉ xem thông tin giấy đăng ký xe và vẫn giao dịch, cấp thẻ bảo hiểm theo thông trên giấy đăng ký xe mà không đòi hỏi gì về việc "xe chính chủ".
Đến khi xe xảy ra tai nạn, phía công ty bảo hiểm luôn tìm cách làm khó, đòi hỏi chủ xe trên giấy đăng ký phải đến làm việc. Nói cách khác, các công ty này đang đánh tráo khái niệm "chủ sở hữu xe" với "người được bảo hiểm".
Nhận định về tình trạng này, ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair cũng cho rằng, các công ty bảo hiểm đang làm sai so với quy định của Chính phủ về bảo hiểm TNDS.
Anh Xuân cho biết, gần đây nhất, theo Nghị định 03/NĐ-CP (hiệu lực từ 1/1/2021), quy định bồi thường là áp dụng cho "người được bảo hiểm"- tức là người có trách nhiệm dân sự với bên thứ ba khi tai nạn xảy ra chứ không phải bồi thường cho chủ xe là người đứng tên trên giấy đăng ký xe.
Điều 3 trong Nghị định 03 nêu rõ: Người được bảo hiểm là chủ xe cơ giới hoặc người lái xe có trách nhiệm dân sự được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Vậy chỉ cần xác định lái xe gây tai nạn và lái xe (hoặc người sở hữu xe) đã bồi thường cho bên thứ 3 thì công ty bảo hiểm phải bồi thường cho lái xe (hoặc người sở hữu xe).
Điều 14 Nghị định 03 quy định: Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trước đó, các Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Nghị định 213/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 103 cũng đã có quy định tương tự.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, một trong những "kẽ hở" của chủ xe mà các công ty bảo hiểm dễ lợi dụng chính là đến từ thói quen "không sang tên đổi chủ" khi mua xe cũ.
Anh Nguyễn Tiến Tài, một chuyên gia tại Hà Nội đánh giá: "Với các công ty chăm sóc khách hàng tốt, họ sẽ hướng dẫn, hỗ trợ chủ xe (người sở hữu thực tế) hướng giải quyết thấu tình đạt lý để đảm bảo quyền lợi cho khách. Phương án "đẹp" là khuyên chủ xe chịu khó đi sang tên đổi chủ. Còn nếu không, chủ xe mới có thể đề nghị chủ xe cũ viết giấy uỷ quyền để giải quyết các trách nhiệm dân sự phát sinh gắn với chiếc xe".
"Ở đây, các công ty bảo hiểm có thể lập luận sợ bồi thường xong thì phát sinh khiếu kiện, tranh chấp quyền lợi được bồi thường. Vì họ cho rằng, chủ cũ vẫn là người có trách nhiệm liên quan, tham gia giải quyết cùng. Vì vậy, cách tốt nhất để tránh các rắc rối sau này, người đi mua xe nên hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ để đảm bảo quyền lợi của mình", anh Tài nói.
Như VietNamNet phản ánh trước đó, anh Võ Việt Tiến, chủ xe tải hiệu Hyundai BKS 99K-3645 (trú tại thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa) tham gia mua bảo hiểm TNDS của công ty bảo hiểm Cathay với thời hạn 1 năm, từ ngày 15/10/2020 đến 15/10/2021. Hơn 1 tháng sau khi mua bảo hiểm, ngày 24/11/2020, xe xảy ra va chạm giao thông với chiếc ô tô con VinFast Lux SA2.0 tại Vĩnh Long. Trên cơ sở thương lượng hai bên, phía anh Tiến đã bồi thường 50 triệu đồng cho chủ xe VinFast Lux về thiệt hại do tai nạn.
Tuy nhiên, đã 3 năm qua, sau nhiều lần liên hệ với đơn vị này, công ty bảo hiểm Cathay vẫn không tiếp nhận giải quyết, trốn trách trách nhiệm, thậm chí là "bặt vô âm tín" mặc dù chủ xe có đầy đủ các hồ sơ pháp lý đi kèm.
Lý giải thêm về câu chuyện chỉ sử dụng giấy mua bán mà không hoàn tất thủ tục "sang tên đổi chủ", anh Võ Minh Tuấn (Khánh Hòa), đại diện chủ xe cho biết: "Đó là chiếc xe tải cũ, đời 1997, giá trị không cao. Thời điểm xảy ra tai nạn, xe đã gần hết niên hạn sử dụng. Trong khi đó, chủ cũ lại ở tận Bắc Ninh. Do đó, anh trai tôi đã chủ quan, không làm thủ tục sang tên đổi chủ nhưng có giấy tờ mua bán có chứng nhận của UBND phường".
"Đến nay, xe cũng đã hết niên hạn và không lưu thông nữa. Do đó, chúng tôi cũng không thể quay ngược thời gian đi làm thủ tục sang tên nếu như bảo hiểm tiếp tục bắt bí. Phía công ty bảo hiểm Cathay lợi dụng điểm này để trốn trách nhiệm bồi thường là không đúng. Khi chúng tôi yêu cầu trả lời bằng văn bản thì họ cũng im lặng, né tránh", anh Tuấn cho hay.
(Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này)
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!