LTS: Năm 2023, các nhà xuất bản đều gặp khó khi số lượng xuất bản phẩm mới và doanh số có xu hướng giảm, đặc biệt là những tháng cuối năm 2023. Chính điều này khiến cho tổng số đầu sách xuất bản của toàn ngành giảm khoảng 11% và số bản in giảm 16% so với năm 2022. Tuy nhiên, điểm sáng nổi lên chính là sự tăng trưởng của sách điện tử. Quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%.
Xét từ góc độ khách quan lẫn chủ quan, xu hướng phải đa dạng hình thức sách, hình thức đọc, hình thức mua hàng của độc giả là tất yếu. Để làm được điều đó, cần có hệ sinh thái cho ngành Xuất bản, cần phát triển hệ sinh thái xuất bản tích hợp giữa truyền thống và công nghệ số. VietNamNet giới thiệu loạt bài ghi nhận ý kiến của các đơn vị làm xuất bản để kiến tạo hệ sinh thái cho ngành Xuất bản Việt Nam.
Đưa xuất bản thành ngành công nghiệp của Việt Nam
Cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa và các nỗ lực khuyến đọc, nâng cao văn hóa đọc của Đảng và Nhà nước, nhu cầu đọc sách và tiếp cận tri thức của độc giả Việt Nam ngày càng tăng.
Điều này mở ra những cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức cho ngành Xuất bản: Độc giả có nhu cầu đọc những cuốn sách nổi bật trên trên thị trường quốc tế trong thời gian sớm nhất, thậm chí là tương đương với thời điểm bản gốc được phát hành rộng rãi; Thị trường đòi hỏi nhiều đầu sách đa dạng về thể loại, chủ đề với chất lượng cao hơn nữa, nhu cầu sách ngoại văn ngày một lớn. Đồng thời, sách của tác giả Việt trên thị trường ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, việc quảng bá, giới thiệu các xuất bản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Xuất bản.
Nhìn vào thực tế phát triển kinh tế nói chung và ngành Xuất bản nói riêng, TS. Nguyễn Mạnh Hùng – CEO Thái Hà Books nhận thấy nhiều hạn chế như quy mô, năng lực hoạt động xuất bản ở nước ta vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về xuất bản phẩm. Chất lượng của sách xuất bản và dịch vụ xuất bản chưa cao, chưa tương ứng với nhiệm vụ về công tác tư tưởng. Hoạt động xuất bản còn tụt hậu về công nghệ và trình độ tổ chức sản xuất kinh doanh so với các nước trong khu vực và thế giới. Việc quản lý nhà nước đối với xuất bản còn nhiều bất cập.
Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế và thách thức vẫn còn không ít cơ hội mới cho việc đưa xuất bản thành ngành công nghiệp của Việt Nam. Bởi chúng ta đang nhận được những tác động tích cực của cách mạng công nghiệp 4.0.
Xây dựng thị trường đọc
Ông Hùng cho rằng, việc xây dựng xuất bản thành ngành công nghiệp hoàn toàn có cơ sở. Để nắm chắc cơ hội, chủ động cho con đường phát triển của ngành, cần kiến tạo hệ sinh thái cho xuất bản Việt Nam. Muốn làm được điều này, theo ông Hùng, phải thực hiện được những điều sau:
Thứ nhất, tạo ra sân chơi cùng với các đơn vị xuất bản quốc tế bằng việc tổ chức các hội sách một cách chuyên nghiệp. Tại đó chúng ta có cơ hội giới thiệu các tác phẩm và tác giả Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Sự hiện diện tại các hội sách quốc tế như Frankfurt, Beijing, London… đã tạo ra những chú ý tích cực tới xuất bản Việt Nam. Một số đơn vị tham gia hoạt động này rất tích cực và có chiều sâu như Thái Hà Books, NXB Trẻ, Nhã Nam, NXB Kim Đồng…
Thứ hai, thiết lập và hỗ trợ hoạt động khuyến đọc tại các nhà trường và địa phương trên cả nước như hoạt động đọc sách 10 phút mỗi ngày tại các lớp học, cấp học. Thành lập các tủ sách di động tại địa điểm công cộng như bệnh viện, bến chờ xe bus. Lập quỹ khuyến đọc và dịch thuật…
Theo ông Hùng, hiện tại thị trường sách tương đối mở rộng, việc mua bán bản quyền dễ dàng nên khâu kiểm duyệt sách có phần đơn giản, do vậy các cuốn sách nội dung chưa có nhiều giá trị sống tích cực vẫn được xuất bản. Sách truyền tải nội dung "khó nhằn", có giá trị lại bị xem là sản phẩm “để trưng bày”. Do vậy, để khuyến khích các tác giả Việt Nam dụng công tìm tòi và sáng tạo, nên có những ưu đãi giá, và các hoạt động truyền thông quảng bá để sách tới tay các bạn đọc cả nước.
Thứ ba, Chính phủ xây dựng Quỹ để hỗ trợ dịch thuật tiếng Việt ra các ngôn ngữ khác và hoạt động khuyến đọc trên cả nước.
Thứ tư, về xuất bản sách giấy, nhằm tăng tính chủ động và chịu trách nhiệm đối với các đơn vị làm xuất bản trực tiếp, cơ quan quản lý cần tham khảo mô hình của các nước để giảm bớt thủ tục hành chính trong việc cấp phép, phát hành.
Thứ năm, cơ quan quản lý tiếp tục phổ biến rõ thủ tục hành chính cấp phép trong việc kinh doanh xuất bản phẩm điện tử; báo cáo xử lý khi phát hiện sai phạm phát hành ấn phẩm điện tử (ebook, audiobooks, kinh doanh nội dung sách trên các ứng dụng…).
Thứ sáu, trao quyền nhiều hơn cho đơn vị liên kết xuất bản, thừa nhận vai trò và trách nhiệm của đơn vị liên kết xuất bản; Các đơn vị liên kết được phép đệ trình đơn trực tiếp lên cơ quan quản lý nhà nước khi phát hiện những hành vi vi phạm trong việc phát hành sách giả, sách lậu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, sách là đối tượng của văn hóa, xứng đáng được đối xử đặc biệt so với các mặt hàng khác, tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà bán lẻ, cho phép các nhà bán sách nhỏ tồn tại bất chấp sự có mặt của hệ thống cửa hàng lớn.
Thứ bảy, phải có các tập đoàn xuất bản tầm cỡ. Các tập đoàn này sẽ làm đa dạng hóa thị trường và doanh thu, làm mềm lợi nhuận, tăng cường sự hợp tác... Một số đơn vị tầm cỡ của Việt Nam có thể phát triển hiện nay như: NXB Giáo dục, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Phụ Nữ, Phương Nam, Nhã Nam, Alpha Books.
Ông Hùng cho rằng, điều này rất quan trọng và chúng ta không chỉ cần tiềm lực tài chính, có nguồn vốn lớn mà quan trọng hơn là xây dựng thị trường đọc.
“Để có thị trường đọc, đầu tiên phải xây dựng thói quen đọc từ nhỏ, từ mầm non và cấp tiểu học. Hơn nữa, cần có cơ chế, luật hoá về văn hoá đọc. Cần đưa các nghị quyết, quyết định về khuyến đọc vào cuộc sống”, ông Hùng hiến kế.
Bài 2: Việt Nam cần phát triển hệ sinh thái xuất bản