Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 279,4 nghìn tấn hạt điều, thu về gần 1,64 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, nước ta lại chi gần 1,73 tỷ USD mua 1,36 triệu tấn hạt điều, tăng 16,4% về lượng và tăng 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 6 vừa qua, lượng điều nhập khẩu lên tới gần 313 nghìn tấn, giá trị đạt 351,6 triệu USD, tăng mạnh 20,2% về lượng và tăng 8,8% về giá trị so với tháng 6/2022.
Như vậy, nửa đầu năm nay, nếu giá trị điều xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,64 triệu USD thì chúng ta phải chi số tiền lớn nhập khẩu điều thô, lên tới 1,73 tỷ USD.
Theo đó, ngành điều Việt Nam tiếp tục kéo dài chuỗi ngày nhập siêu từ đầu năm đến nay. Trước đó, ngành điều chính thức chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu vào năm 2021 (năm đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhập siêu kỷ lục sau hơn 3 thập kỷ duy trì xuất siêu).
Việt Nam nhập khẩu điều chủ yếu từ 5 thị trường gồm: Campuchia, Bờ Biển Ngà, Ghana, Tazania, Nigeria.
Trong đó, nhập khẩu từ Campuchia đạt 783 triệu USD, Bờ Biển Ngà 356 triệu USD, Ghana 149 triệu USD, Tazania và Nigeria lần lượt là 132 triệu USD và 109,3 triệu USD.
Trao đổi với PV. VietNamNet trước đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ cho biết, giá điều thô nhập khẩu rẻ hơn hàng trong nước. Những năm qua, ngành điều Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu điều thô nhập khẩu, không chú trọng phát triển vùng nguyên liệu nội địa.
Thực tế, diện tích điều ở nước ta có xu hướng giảm dần đều. Từ 440.000 ha năm 2007, đến niên vụ 2019-2020, diện tích điều trên cả nước chỉ còn 302.500 ha, sản lượng khoảng 339.800 tấn. Năm 2022, theo kế hoạch sản xuất, tổng diện tích điều cả nước duy trì ổn định 305.000ha. Năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha, sản lượng điều thô (hạt khô) ước đạt 370.000 tấn.
Đáng nói, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều, nhưng việc tăng nhập khẩu điều thô khiến nông dân trồng điều khó tiêu thụ sản phẩm, giá thu mua hạt điều tươi trong nước giảm.