Ngoài biết đọc, biết viết, mỗi người dân phải "biết số"

Hội thảo “Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường Kỹ năng số cho cộng đồng” được Bộ TT&TT phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) và Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tổ chức ngày 13/10.

Khai mạc hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết, các nước trên thế giới đang tập trung xây dựng chiến lược về phát triển quốc gia số, kinh tế số và xã hội số. Gốc của các chiến lược này là đều phải có công dân số, nghĩa là chúng ta cần phổ cập, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về công nghệ, dịch vụ, ứng dụng số cho người dân để họ có thể khai thác tối ưu những tiện ích số phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Bộ TT&TT đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là hợp tác với các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan, tổ chức trong nước để đẩy mạnh nâng cao kỹ năng số cho người dân”, ông Triệu Minh Long thông tin.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Triệu Minh Long cho biết, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến để nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho hay, UNICEF đánh giá cao tầm nhìn 2030 và các mục tiêu được đưa ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam ở cả 3 trụ cột Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Chương trình này cũng đã làm rõ rằng, chuyển đổi số phải đặt con người làm trung tâm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. 

Vị Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, việc phổ cập kỹ năng số trong cộng đồng như một phần của các kỹ năng học tập suốt đời là hết sức trọng yếu, không chỉ là sử dụng tốt máy tính mà còn giúp các cá nhân có thể tham gia tích cực vào tiến trình số hóa, xử lý thông tin bằng tư duy phản biện. Đồng thời, góp sức vào việc tạo ra nội dung và chia sẻ kiến thức thông qua mạng xã hội.

“Sự tập trung vào kiến thức kỹ thuật số này hỗ trợ sự phát triển của mỗi công dân, giúp họ có thể thích ứng với các nhu cầu thay đổi nhanh chóng của xã hội, bao gồm cả nhu cầu thị trường lao động”, bà Lesley Miller nói.

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Số quốc tế diễn ra từ ngày 11/10 - 14/10 tại Hà Nội.

Các chuyên gia góp mặt tại hội thảo thống nhất rằng, trong xã hội trước đây, năng lực “biết đọc - biết viết” là hiểu biết cơ bản mà con người cần có. Còn trong kỷ nguyên số, khi nhiều hoạt động dần được chuyển đổi trực tuyến, dịch vụ số và nguồn tin tức trên mạng ngày càng chiếm ưu thế thì việc tiếp cận các nguồn này trở nên quan trọng với sự phát triển của một công dân. “Biết đọc, biết viết” không còn là kỹ năng tối thiểu mà con người cần được trang bị mà đòi hỏi có thêm 1 năng lực cơ bản nữa đó là “biết số” - “digital literacy”.

Việt Nam có nhiều sáng kiến nâng nhận thức, phổ cập kỹ năng số

Các tổ chức quốc tế trong Liên hợp quốc như UNESCO, UNICEF, ITU đã đưa ra định nghĩa, khuyến nghị cũng như khung tham chiếu để các nước tham khảo và xây dựng Chiến lược quốc gia về trang bị “biết số” cho cộng đồng. 

Để phổ cập “biết số” đến mọi người dân trong xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, cần sự tham gia, xác định rõ vai trò và nhiệm vụ của các bên liên quan gồm cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cơ quan truyền thông.

Chia sẻ thực tế tại Việt Nam, đại diện Viện Chiến lược TT&TT, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, nguồn nhân lực số còn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Để giải bài toán phát triển nhân lực số, phổ cập kỹ năng số, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.

Nhiệm vụ của Tổ công nghệ cộng đồng là hướng dẫn người dân các kỹ năng số cơ bản như dùng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm online... (Ảnh: Q.Bảo)

Triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ tháng 4/2022, Bộ TT&TT đã khai trương Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ onetouch.mic.gov.vn. Đây là cách tiếp cận mới của Việt Nam trong bồi dưỡng kỹ năng. 

Tính đến hết tháng 9/2022, nền tảng đã hỗ trợ bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 117.158 lượt cán bộ, công chức, viên chức; phổ cập kỹ năng số cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng trên toàn quốc với tổng cộng 159.132 lượt truy cập và tham gia khóa tập huấn. Ngoài ra, Bộ TT&TT cùng các địa phương tổ chức bồi dưỡng trực tiếp cho Tổ công nghệ số cộng đồng tại 55/63 tỉnh, thành phố.

Phổ cập các kỹ năng số cho người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng cũng là một sáng kiến đang được Việt Nam triển khai. Chia sẻ với các đại biểu tại hội thảo về sáng kiến này, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ TT&TT) Hoàng Anh Tú cho biết: từ tháng 3 đến tháng 10/2022, cả nước đã thành lập 61.554 Tổ công nghệ số cộng đồng, với 283.904 thành viên. 

Có nhân sự nòng cốt là Tổ trưởng tổ dân phố, Đoàn thanh niên, Công an khu vực và doanh nghiệp công nghệ, Tổ công nghệ số cộng đồng tập trung phổ cập cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán online, mua bán qua sàn điện tử, sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn và kỹ năng sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản. “Sứ mệnh của Tổ công nghệ số cộng đồng là đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách của cuộc sống”, ông Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

Vân Anh