Hiện Cục Y tế dự phòng đang chủ động triển khai các biện pháp theo dõi, tăng cường giám sát để phát hiện sớm ca bệnh theo khuyến cáo và có biện pháp đáp ứng nhanh khi có ca bệnh xâm nhập.
Vị này cũng cho biết đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ nhỏ từ các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay CDC Hoa Kỳ.
Giữa tháng 4, Văn phòng của WHO tại châu Âu cho biết nước Anh đang chứng kiến "sự gia tăng đáng kể và đột ngột" của các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ, được cho là có liên quan tới bệnh COVID-19.
Cách đây ít ngày, WHO cho hay trong những tuần gần đây khoảng 190 trẻ tại 11 quốc gia, trong độ tuổi từ 1-6, có tiền sử khỏe mạnh, đã mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, bang Wisconsin của Mỹ đang điều tra một trường hợp tử vong tại bang này.
Tờ TTXVN ngày 2/5 đưa tin, Bộ Y tế Indonesia khuyến cáo người dân tăng cường theo dõi và cảnh giác với bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em sau khi nước này ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhi tử vong nghi ngờ do bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày hôm qua, Bộ Y tế Indonesia cho biết 3 bệnh nhi tử vong có các triệu chứng như: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật và mất ý thức.
Bộ này cũng khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ em có những biểu hiện trên đây đến bệnh viện sớm.
Một nghiên cứu do Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ cho thấy 9 trẻ em ở bang Alabama mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân đều có kết quả xét nghiệm dương tính với một mầm bệnh phố biến được gọi là adenovirus 41.
Trong tuyên bố, CDC Hoa Kỳ khẳng định: "Tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng adenovirus có thể là nguyên nhân gây ra các ca bệnh đã được báo cáo. Tuy nhiên, các yếu tố khác vẫn đang được điều tra, trong đó có yếu tố môi trường".
Theo CDC Mỹ, adenovirus 41 được biết đến là loại virus gây bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em, song ít được cho là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, một cuộc điều tra đã loại trừ các yếu tố phơi nhiễm phổ biến khác, trong đó có COVID-19; virus viêm gan A, B và C; viêm gan tự miễn và bệnh Wilson.
CDC Mỹ khuyến cáo cần tiêm nhắc lại vaccine phòng bệnh cho trẻ, bố mẹ và người chăm sóc cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa, trong đó có giữ vệ sinh tay, tránh tiếp xúc với người bệnh, che miệng khi ho và hắt hơi, tránh tiếp xúc mắt, mũi, miệng.
Thanh Hiền