Việc thúc đẩy một hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn trên toàn cầu.
Quan hệ hợp tác Việt-Mỹ được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện đã tạo ra kỳ vọng và xung lực cho sự phát triển đột phá trong quan hệ song phương thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác công nghệ. Những kết quả hợp tác trong lĩnh vực công nghệ số giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sau chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang được cả 2 bên đặt nhiều kỳ vọng. VietNamNet giới thiệu các bài viết về chủ đề này.
Đúng 4 năm trước, Bộ TT&TT tổ chức Tọa đàm định hướng và giải pháp phát triển chipset, thiết bị mạng 5G tại Việt Nam với sự tham dự của các chuyên gia CNTT Việt Nam ở nước ngoài, doanh nghiệp ICT, các hiệp hội và các viện nghiên cứu trường đại học.
Theo Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), phát triển mạng 5G là một trong những định hướng trọng tâm về nâng cao năng lực hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Để triển khai định hướng này, một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng là Việt Nam cần nghiên cứu làm chủ việc thiết kế, sản xuất chip và thiết bị mạng 5G.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp công nghệ cao Viettel cho biết, Viettel có hơn 1.000 kỹ sư CNTT và dành tới 300 kỹ sư có nhiều kinh nghiệm cho chương trình nghiên cứu sản xuất 5G. Tập đoàn này đã phê duyệt dự toán ngân sách 500 tỷ đồng cho việc phát triển Microcell 5G và đang đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng. Viettel đang hợp tác với nhiều đối tác của Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ về chipset và phần cứng, phần mềm cho 5G.
“Lịch sử Việt Nam chưa bao giờ làm được con chip từ đầu đến cuối. Khi chúng tôi nói sẽ sản xuất chipset thì nhiều người không tin. Nhưng chỉ sau 3 năm, Viettel đã làm được chip”, ông Hoàng nói.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện FPT chia sẻ rằng việc sản xuất được chip là vô cùng khó vì vậy FPT rất nể phục Viettel chỉ có 3 năm mà sản xuất được chip. FPT đã đưa ra chiến lược sản xuất chip với thời gian 10 năm và đi từng bước khá thận trọng. Sau 5 năm, FPT có hơn 100 kỹ sư có thể thiết kế được chip. Ban đầu, FPT chưa làm chip riêng mà mới chỉ có đội ngũ kỹ sư làm chip cho đối tác nước ngoài.
Đại diện FPT còn cho rằng, hiện Việt Nam đang trở thành hub cho thiết kế vi mạch. Việt Nam có khoảng hơn 3.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Vì vậy, việc sản xuất chip Made in Việt Nam không quá xa vời.
Sản xuất chip không còn là giấc mơ
Đúng 3 năm sau ngày Bộ TT&TT tổ chức tọa đàm về sản xuất chip và thiết bị 5G, FPT Semiconductor - Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (thuộc tập đoàn FPT) đã tuyên bố ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt.
Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ cho các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam được chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Khách hàng đầu tiên và hiện là đối tác chiến lược của doanh nghiệp cùng phối hợp để phân phối các sản phẩm chip của FPT Semiconductor ở các thị trường Úc, Trung Quốc. Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, FPT Semiconductor định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm phát triển bền vững và góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023 - 2025.
Mới đây, FPT Semiconductor đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Silvaco (Mỹ) để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn và kinh doanh ở lĩnh vực giàu tiềm năng này. Silvaco, FPT Semiconductor, Đại học FPT cam kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho các công ty bán dẫn tại Mỹ.
Nếu thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam sẽ “chen chân” vào được chuỗi cung ứng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị y tế hay thiết bị quân sựTS Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học RMIT
Không chỉ có FPT, Viettel cũng đã tiến hành sản xuất chip cho thiết bị 5G. Đây là công nghệ cao mà chỉ có vài nước có thể sản xuất được. Tuy nhiên, hiện Viettel khá thận trọng khi thông tin về vấn đề sản xuất chip của doanh nghiệp này.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, FPT và Viettel là hai doanh nghiệp đã sản xuất được chip bán dẫn và mở ra cơ hội mới cho Việt Nam ghi tên trên bản đồ thế giới về lĩnh vực này.
TS Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên khoa Kinh doanh và quản trị, Đại học RMIT cũng cho rằng, việc sản xuất chip ở Việt Nam phù hợp với định hướng phát triển “Make in Vietnam”. “Hầu hết mọi khía cạnh của xã hội hiện đại đều cần đến chất bán dẫn. Nếu thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam sẽ “chen chân” vào được chuỗi cung ứng của các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thiết bị truyền thông, máy tính, thiết bị y tế hay thiết bị quân sự”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm bán dẫn
Chuyến thăm Mỹ vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra cơ hội hợp tác một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đây là một bước tiến tiếp theo để triển khai các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường và nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp này.
Hiện nhiều tập đoàn sản xuất bán dẫn trên toàn cầu bắt đầu tìm đến và hợp tác với Việt Nam. Bà Linda Tan, Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á cho hay, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển, với nhiều tiềm năng và lợi thế. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu bằng các chiến lược quốc gia, kế hoạch dài hạn cũng như cam kết xây dựng lòng tin trong hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư, tham gia các công đoạn. Việt Nam mong muốn sẽ trở thành trung tâm nhân lực bán dẫn không chỉ phục vụ nhu cầu của Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu khu vực và thế giới.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) nhấn mạnh, việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn.
Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong chuỗi cung ứng Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT) Nguyễn Thiện Nghĩa
Đặc điểm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là tất cả các công đoạn trong các khâu sản xuất sản phẩm như thiết kế, gia công, đóng gói, thiết bị, vật liệu... đều rất chuyên sâu và có sự phân vai rõ ràng.
Điều này có nghĩa là mỗi công đoạn trong các khâu sản xuất do một số ít tập đoàn, hoặc nói đúng hơn là một số ít quốc gia nắm công nghệ hàng đầu thực hiện. Để gia nhập chuỗi sản xuất này đòi hỏi phải có thị trường, có sự đầu tư rất lớn về công nghệ và cả quan hệ địa chính trị. “Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong chuỗi cung ứng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất chip”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nói.
Bài 4: Việt Nam sẽ có cơ chế để thúc đẩy công nghiệp bán dẫn