Ông C.S. Chua - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương đã có những chia sẻ bên lề sự kiện thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chip điện tử đầu tiên của công ty này tại Việt Nam.
Chú trọng nghiên cứu phát triển linh kiện bán dẫn cho xe điện
- Quá trình gia nhập và phát triển của Infineon tại thị trường Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi vào thị trường theo lộ trình khá cẩn trọng, xuất phát từ việc mở văn phòng đại diện để nghiên cứu thị trường, xúc tiến giới thiệu thương hiệu và sản phẩm, rồi sau đó là mở công ty chính thức, và bây giờ là thành lập trung tâm R&D, xúc tiến mạnh hơn các cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác Việt Nam khi đã xác định được rõ tiềm năng phát triển thực tế của thị trường. Chúng tôi cũng vừa mới khai trương một văn phòng mới với quy mô lớn tại Hà Nội để thử sức trong một thị trường rộng mở với nhiều khách hàng và dự án tiềm năng.
- Với những đầu tư mới đây vào Việt Nam, kế hoạch của Infineon là gì?
Sản phẩm của Infineon tập trung vào 2 xu hướng chính: phi carbon hóa và kỹ thuật số hóa. Đặc biệt trong lĩnh vực xe điện, các sản phẩm (cả phần cứng và phần mềm) của Infineon đang được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới, tạo ra các sản phẩm xe điện “sạch”, thân thiện với môi trường. Infineon có thể giúp các nhà nghiên cứu và sản xuất xe điện Việt Nam tăng giá trị và hiệu quả sản phẩm của họ. Chúng tôi có kinh nghiệm hỗ trợ từ các start-up cho tới các nhà sản xuất đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành.
Việc Infineon chọn đặt một trung tâm R&D ở Việt Nam cũng nhằm hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn cho bộ phận kỹ sư trẻ Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực về thiết kế và kỹ thuật của sản phẩm EV (xe điện), tăng hiểu biết và năng lực thiết kế sản phẩm cho thế hệ kỹ sư trẻ này.
- Ông đánh giá như thế nào về nguồn nhân lực trẻ, dồi dào trong ngành này của Việt Nam?
Tôi luôn đánh giá cao môi trường chính trị ổn định, sự quan tâm và đầu tư của Chính phủ Việt Nam dành cho khoa học, công nghệ. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, lực lượng lao động trẻ sở hữu nhiều ưu điểm về tố chất và tính cách, Việt Nam sở hữu lợi thế thu hút các nhà sản xuất lớn trên thế giới chọn đặt nhà máy tại đây. Quy mô của các nhà máy sản xuất vi mạch và chất bán dẫn thường cần hàng nghìn công nhân làm việc liên tục 3 ca/ngày nên đảm bảo về số lượng, chất lượng và yêu cầu chăm chỉ, chịu khó của nhân sự là yếu tố vô cùng quan trọng.
Theo đánh giá của chúng tôi, trình độ của các sinh viên, kỹ sư trẻ Việt Nam hiện nay khá ổn và cơ bản đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi tới thăm và làm việc tại nhiều trường đại học, trao đổi với các giáo sư đầu ngành về chương trình đào tạo, đồng thời tham quan các phòng lab nơi sinh viên thực hành và nghiên cứu. Thực tế khiến Infineon khá yên tâm và tin tưởng vào năng lực của nhân sự Việt Nam.
Chúng tôi đánh giá cao hệ sinh thái của ngành này tại đây với rất nhiều đối tác và nhà cung cấp đáng tin cậy. Điều này sẽ cho phép chúng tôi sử dụng dịch vụ out-sourcing, dễ dàng thuê ngoài một số phần việc mà không cần phải đào tạo và sử dụng 100% kỹ sư của Infineon. Tôi đánh giá cao năng lực của các đối tác, nhà cung cấp Việt Nam bởi họ có thể đáp ứng đa dạng, nhanh chóng các yêu cầu của chúng tôi cả trong lĩnh vực phần cứng lẫn phần mềm.
- Theo ông, những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực vi mạch, bán dẫn?
Theo tôi cần chú ý ở 3 điểm sau: Thứ nhất, cơ sở hạ tầng cần phát triển và ổn định (đặc biệt là điện và nước) bởi trong sản xuất vi mạch cần rất nhiều nước và việc sản xuất sẽ diễn ra liên tục 24/7 nên phải đảm bảo đủ và ổn định nguồn cung cấp điện. Nếu quy trình sản xuất đột ngột bị gián đoạn thì thiệt hại rất lớn.
Thứ hai là đầu tư mạnh về vận chuyển, hậu cần hàng không. Sản phẩm vi mạch, bán dẫn có lợi thế là nhỏ và nhẹ nên chủ yếu vận chuyển qua đường hàng không kết nối nhiều quốc gia. Nhiên liệu và sản phẩm liên tục được vận chuyển đến và đi, đôi khi là qua nhiều vòng mới tạo thành một sản phẩm cuối hoàn chỉnh. Quá trình này cần nhanh, chính xác và thuận tiện nhất.
Và cuối cùng, vốn đầu tư là một yếu tố quan trọng trong phát triển lĩnh vực này bởi vi mạch, bán dẫn là lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn rất lớn từ khâu đầu tư nghiên cứu cho đến việc xây dựng những nhà máy sản xuất cực kỳ hiện đại.
Doãn Phong