Trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng, Việt Nam lọt top 15. Nước ta có thể bán 40 triệu tín chỉ carbon, thu về khoảng 5.000 tỷ đồng mỗi năm.
Lời tòa soạn:
Net Zero đang là xu hướng chung trên toàn cầu. Trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Thị trường carbon toàn cầu đang phát triển nhanh cả về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.
Việt Nam là một trong số 60 quốc gia trên thế giới có khả năng bán tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp. Loạt bài Khai thác tiềm năng tín chỉ carbon, thu nghìn tỷ do VietNamNet thực hiện góp thêm góc nhìn về tiềm năng và thị trường tín chỉ carbon hiện nay, đồng thời thể hiện nỗ lực của ngành nông nghiệp trong giảm phát thải, hướng tới bán tín chỉ carbon.
Sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngành lâm nghiệp đã đạt được những thành quả to lớn.
Diện tích rừng hiện nay của nước ta là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%; giá trị sản xuất tăng ổn định ở mức 4,6%, có năm cao hơn 6%; thu dịch vụ môi trường rừng gần 11.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục lập kỷ lục, trong đó năm 2022 đạt 17,1 tỷ USD; xuất siêu gần 40 tỷ USD trong 3 năm gần nhất.
Năm vừa qua, ngành lâm nghiệp lần đầu bán được trên 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, trong số 60 quốc gia có khả năng bán tín chỉ carbon, Việt Nam lọt top 15 và dự kiến tiếp tục phát triển thị trường giàu tiềm năng này.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, Bộ NN-PTNT đề ra 7 chỉ tiêu và 11 giải pháp cho năm 2024, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia và các thông tư hướng dẫn địa phương đáp ứng Luật Đất đai (sửa đổi), hỗ trợ các công ty nông lâm trường chuyển dịch mạnh mẽ từ tư duy sản xuất lâm nghiệp sang kinh tế lâm nghiệp.
Về tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon, Cục Lâm nghiệp tính toán, trên diện tích rừng hiên nay, nước ta có thể bán khoảng 40 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.
Với đơn giá 5 USD/tín chỉ, ngành lâm nghiệp ước thu về 200 triệu USD, tương đương gần 5.000 tỷ đồng. Ông cho rằng, đây là một con số lớn, tương đương nguồn đầu tư công hàng năm của ngành.
Trước đó, Thứ trưởng cũng thông tin về cam kết của Ý về mua bán giảm phát thải ký kết giữa Việt Nam (Bộ NN-PTNT) với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) cho 11 tỉnh vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ.
Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho Emergent - cơ quan hành chính của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF) 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD) cho giai đoạn 2022-2026.
Việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho hay.