Sáng 20/9 (giờ New York), nhân dịp tham dự Phiên thảo luận chung Cấp cao khóa 78 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen để trao đổi về hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng của Việt Nam
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen bày tỏ vui mừng khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, tạo xung lực mới và khuôn khổ hợp tác lâu dài cho quan hệ hai nước.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; sẵn sàng cùng Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ phát triển sâu rộng, ổn định và thực chất.
Nhấn mạnh Việt Nam coi hợp tác kinh tế – tài chính – thương mại – đầu tư là ưu tiên của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Thủ tướng đánh giá cao cá nhân Bộ trưởng Janet Yellen và Bộ Tài chính Mỹ đã có những đóng góp thực chất cho hợp tác kinh tế, tài chính.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục dành nguồn lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa hai nước và mong Mỹ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị hai nước tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực chung lợi ích như hạ tầng và dịch vụ tài chính, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vay nợ và viện trợ, thuế quan, thị trường vốn và chứng khoán.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Mỹ hạn chế các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng dệt may, da giầy, đồ gỗ và đặc biệt là nông sản, nguồn sống của nông dân Việt Nam.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện phản ánh những bước tiến ngoạn mục trong quan hệ hai nước. Điều này cũng giúp tăng cường sự hiểu biết, lòng tin, thể hiện cam kết của Mỹ trong việc mở ra những cơ hội mới trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Bộ trưởng khẳng định kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995, Mỹ và Việt Nam luôn là những đối tác kinh tế - thương mại quan trọng của nhau. Việt Nam là đối tác chủ chốt trong triển khai chính sách khu vực của Mỹ và hiện Mỹ hợp tác với Việt Nam để tăng cường tính tự cường của chuỗi cung ứng khu vực và Việt Nam có tiềm năng trong chuỗi cung ứng về bán dẫn.
Bộ trưởng Yellen cảm ơn các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã tích cực, chủ động làm việc với Bộ Tài chính Mỹ trong các nội dung về chính sách thương mại, tiền tệ và ngoại hối. Bà ghi nhận nỗ lực của Việt Nam thời gian qua trong việc giải quyết các lo ngại của Mỹ liên quan đến những lĩnh vực này.
Việt Nam là hình mẫu phát triển thành công nhất, là đối tác quan trọng của UNIDO
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) Gerd Muller.
Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của UNIDO và cá nhân Tổng Giám đốc hỗ trợ Việt Nam thực hiện ba đột phá chiến lược về hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng đề nghị UNIDO hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện và triển khai các chính sách công nghiệp, phát triển công nghiệp phát thải thấp và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp của Việt Nam để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bền vững toàn cầu; tập trung vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh với các chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.
Nhấn mạnh, Việt Nam là hình mẫu phát triển thành công nhất, là đối tác quan trọng của UNIDO với nhiều chương trình hợp tác, Tổng Giám đốc UNIDO khẳng định sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam về tiết kiệm năng lượng và phi các-bon hóa ngành công nghiệp.
Cùng với đó, UNIDO sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm và chuỗi giá trị nông sản, các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp nông thôn phù hợp với các ưu tiên lớn của Việt Nam mà Thủ tướng nêu.
Ông Muller cho biết UNIDO sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam để sớm thông qua Chương trình quốc gia hợp tác giai đoạn 2023-2027 làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Đồng thời đề xuất hai bên cùng nghiên cứu khả năng hợp tác ba bên giữa Việt Nam, UNIDO và một nước đang phát triển để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thành công, UNIDO sẽ hỗ trợ về chuyển giao công nghệ.