Diễn tập quốc tế ASEAN - Nhật Bản là sự kiện được tổ chức thường niên kể từ năm 2013 và đã trở thành sự kiện lớn về an toàn mạng trong khu vực.
Năm nay, chương trình diễn tập quốc tế này được 10 nước ASEAN gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Nhật Bản cùng tiến hành trong ngày 25/6/2020.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, các sự cố có thể giảm, nhưng mức độ, nguy cơ từ các cuộc tấn công từ bên ngoài vào các hệ thống của Việt Nam thì sẽ theo xu hướng phát triển của công nghệ trên toàn cầu và ngày càng gia tăng. |
Tại Việt Nam, diễn tập ASEAN-Nhật Bản 2020 được Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức tại 3 địa điểm tập trung ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM theo sự điều phối chung của VNCERT/CC. Diễn tập có sự góp mặt của các cán bộ, chuyên gia đến từ hơn 200 thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia, các đơn vị CNTT của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, các tỉnh và thành phố trên toàn quốc.
Mục đích chính của diễn tập là xây dựng, vận hành và đảm bảo sự tương tác thông suốt giữa các nước ASEAN trong việc chia sẻ thông tin ứng cứu sự cố an toàn mạng. Ngoài ra, các kịch bản diễn tập được xây dựng công phu, trên cơ sở các tấn công mạng thực tế đã xảy ra và dựa trên các xu hướng cập nhật mới nhất về công nghệ và các mối đe dọa tiềm ẩn, nên diễn tập còn tạo điều kiện cọ xát và nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho những người tham gia.
Đặc biệt, năm 2020, ngoài hình thức tập trung (offline), Diễn tập còn được tổ chức theo hình thức từ xa (online). Đây cũng điểm mới, phù hợp với bản chất của tấn công mạng, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch Covid 19 hiện nay. Những người tham gia diễn tập có thể ở bất cứ đâu và chỉ cần kết nối mạng, đăng ký tài khoản trên hệ thống diễn tập của VNCERT/CC, hoặc đăng ký bằng địa chỉ email, tham gia các nhóm chat trên mạng xã hội do VNCERT/CC tổ chức là có thể được trải nghiệm hoạt động quốc tế này.
Trong phát biểu khai mạc chương trình diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản 2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhận định, năm 2020 là năm rất đặc biệt. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 làm thay đổi cách thức sinh hoạt, làm việc của người dân gần như trên toàn thế giới. Người dân, tổ chức phải thích nghi với cách thức làm việc mới: làm việc từ xa, làm việc tại nhà – làm việc trực tuyến trên môi trường mạng. Điều này càng làm cho công tác đảm bảo an toàn mạng càng trở nên hết sức quan trọng.
Theo báo cáo của các công ty an ninh mạng toàn cầu như InSights, Team Cymru và VMware Carbon Black, trong đợt diễn ra dịch bệnh Covid-19, các cuộc tấn công mạng đã gia tăng đột biến. Tội phạm mạng đã lợi dụng sự hoang mang, lo lắng của người dân để đánh cắp thông tin cá nhân, lợi dụng các kẽ hở của các doanh nghiệp khi cho nhân viên làm việc tại nhà để phát tán mã độc, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.
Tại Việt Nam, những năm qua, các cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam có xu hướng giảm. Số cuộc tấn công năm 2019 giảm 71,7% so với năm 2018. Với năm 2020, tính đến hết tháng 5, qua giám sát, Cục An toàn thông tin đã phát hiện 1.495 cuộc tấn công mạng, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm 2019.
“Số liệu này đã thể hiện sự nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông trong việc triển khai bảo đảm an toàn thông tin”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng lưu ý, trên thực tế, tin tặc ngày càng tinh vi và phức tạp, cách thức tấn công mạng ngày càng đa dạng, do vậy, các sự cố có thể giảm, nhưng mức độ, nguy cơ từ các cuộc tấn công từ bên ngoài vào các hệ thống của Việt Nam thì sẽ theo xu hướng phát triển của công nghệ trên toàn cầu và ngày càng gia tăng. Thực tế này là không thể đảo ngược, nhưng quan trọng là chúng ta cần phải chuẩn bị ra sao, đối phó thế nào để đối đầu với trước những khó khăn và thách thức trước mắt.
Thứ trưởng cho rằng, chương trình diễn tập quốc tế là một hoạt động để góp phần phòng chống, đối phó với những khó khăn và thách thức trên. “Tôi đề nghị các các đại biểu, thành viên tham gia Chương trình hết sức tập trung tham gia thực hành cùng 10 nước ASEAN và Nhật Bản để Chương trình diễn tập đạt được hiệu quả cao nhất”, Thứ trưởng nói.
Diễn tập có sự góp mặt của các cán bộ, chuyên gia đến từ hơn 200 thành viên Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. |
Đại diện Cục An toàn thông tin cho hay, ưu tiên chính của diễn tập tại Việt Nam là nhằm nâng cao năng lực và phát triển Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Ngoài các hoạt động diễn tập, Mạng lưới còn có kế hoạch tổ chức rất nhiều các hoạt động khác như đào tạo, chia sẻ thông tin, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế... và đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động phòng, chống các tấn công mạng, phản ứng nhanh trong ứng cứu sự cố máy tính.
Theo chương trình, trước phiên diễn tập, trong sáng ngày 25/6, Cục An toàn thông tin tổ chức hội thảo với các tham luận liên quan tới công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở và hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin.
Vân Anh